Thông tư mới hướng dẫn tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2025/TT-BTC hướng dẫn việc tính hao mòn và trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Thông tư này, có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 9/5/2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thông tư áp dụng cho các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là tài sản cố định có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên, nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên, do các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn thủy lợi hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (không tính thành phần vốn nhà nước) được giao quản lý, khai thác.
Thông tư yêu cầu mỗi một tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là tài sản cố định quy định tại Thông tư là một đối tượng ghi sổ kế toán. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại, hao mòn hoặc khấu hao của tài sản.
Các đơn vị quản lý có trách nhiệm thực hiện ghi sổ kế toán, kiểm kê định kỳ hàng năm, tổng kiểm kê theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và báo cáo tình hình sử dụng tài sản theo quy định tại Nghị định 08/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa tính đủ hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị theo quy định thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định và tính hao mòn, trích khấu hao theo quy định tại Thông tư này cho đến khi được xử lý theo quy định.
Trong trường hợp cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác, đơn vị quản lý tiếp tục theo dõi và tính hao mòn/khấu hao, trừ giai đoạn chuyển nhượng. Sau khi hết thời hạn chuyển nhượng, tài sản được tiếp nhận lại và xác định lại nguyên giá để tiếp tục quản lý.
Về cách xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, Thông tư 24/2025/TT-BTC quy định, đối với tài sản đã đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định số 08/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản là nguyên giá đang được theo dõi, ghi sổ kế toán.
Đối với tài sản đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng kể từ ngày Nghị định số 08/2025/NĐ-CP có hiệu lực, giá trị quyết toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nhưng nếu tài sản chưa có quyết toán thì sử dụng giá trị tạm tính từ thẩm tra, nghiệm thu hoặc dự toán…
Nguyên giá của tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tiếp nhận từ việc được giao, điều chuyển kể từ ngày Nghị định số 08/2025/NĐ-CP có hiệu lực sẽ bao gồm nguyên giá từ biên bản bàn giao và các chi phí liên quan. Nguyên giá có thể thay đổi khi tài sản được nâng cấp, tháo dỡ, lắp đặt thêm bộ phận hoặc bị hư hỏng do thiên tai…
Thông tư 24/2025/TT-BTC cũng quy định rõ về nguyên tắc, danh mục và phương pháp tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Chẳng hạn, Thông tư quy định rõ thời gian tính hao mòn/trích khấu hao và tỷ lệ hao mòn/khấu hao tùy thuộc vào loại tài sản. Như hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh có thời gian tính 20 - 80 năm, tỷ lệ 1,25 - 5%/năm; tải sản làm việc, nhà - trạm quản lý theo 4 cấp độ thì có thời gian từ 15 - 10 năm, tỷ lệ từ 2 - 6,67%; đập, hồ chưa nước các cấp có thời gian từ 20 - 60 năm, tỷ lệ từ 1,67 - 5%...
Việc tính hao mòn thực hiện mỗi năm 1 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán, trong khi khấu hao được trích hằng tháng nếu chi phí được tính vào giá dịch vụ thủy lợi. Các đơn vị vừa tính hao mòn vừa trích khấu hao thì việc tính hao mòn và trích khấu hao thực hiện theo tháng.