Bí thư Kiên Giang yêu cầu làm rõ nguyên nhân hồ chứa nước ngọt không có nước ở xã đảo
Theo thiết kế, hồ chứa nước ngọt khoảng 30.000 mét khối nước phục vụ người dân xã đảo ở Kiên Giang. Thế nhưng 3 năm qua, hồ chứa nước ngọt bề thế lại không có nước. Người dân phải mua nước ngọt từ đất liền chở ra với giá cao.
Hồ xây xong thủng đáy
Chiều 13/5, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng đoàn công tác khảo sát hồ chứa nước ngọt tại xã An Sơn, huyện Kiên Hải - cách đất liền 100km nhưng không có nước.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) cùng đoàn công tác khảo sát công trình hồ chứa nước ngọt (Ảnh: Đ.V).
Công trình đầu tư và sửa chữa hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy được tác dụng. Hiện là mùa khô nhưng hồ chứa nước ngọt không có nước. Bên thành hồ, lá cây khô rụng đầy. Dưới đáy hồ chỉ có một lớp nước mỏng đọng lại.
Theo ông Trần Quốc Toản, Bí thư xã An Sơn, năm 1999, nhân chuyến thăm xã đảo, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương xúc động khi chứng kiến người dân không có nước ngọt để sử dụng, đã quyết định chi ngân sách Nhà nước xây tặng hồ chứa nước mưa cho hơn 1.000 hộ sử dụng.
Lúc bấy giờ, công trình do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp - Môi trường) thực hiện với kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
Trong đó, Viện Khoa học thủy lợi là đơn vị tư vấn thiết kế, Ban Quản lý dự án 419 làm chủ đầu tư và Công ty Xây lắp vật liệu xây dựng 5 thi công. Hồ có quy mô 30.000m3 nước.
Công trình được kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ cung cấp cho mỗi hộ dân 40 lít nước/ngày và phục vụ một trạm xá, một nhà máy chế biến hải sản...
Ngày khởi công, người dân vui mừng khi sắp kết thúc cảnh thiếu nước ngọt nên chẳng cần suy nghĩ nhiều mà gom góp từ 650.000 đồng đến 1 triệu đồng để gắn đồng hồ nước.
Công trình được hoàn thành năm 2000. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa đầu mùa, người dân sử dụng được vài mét khối nước thì hồ bắt đầu cạn, do đáy hồ bị rò rỉ.
Vào mùa khô, người dân xã đảo An Sơn phải mua nước với giá cao, từ 80.000 - 100.000 đồng mỗi mét khối.

Hồ chứa nước ngọt chỉ có lớp nước dưới đáy (Ảnh Đ.V).
Công trình 5 tỷ đồng sửa hết 14 tỷ vẫn không sử dụng được
Bộ Nông nghiệp - Môi trường xác định, nguyên nhân thủng đáy hồ do sai từ khâu thiết kế, thi công và giám sát. Vật tư thiết bị để lót đáy hồ không phù hợp, thi công sơ sài.
Lãnh đạo xã An Sơn nhớ lại, mùa mưa đầu tiên hồ tiếp tục hư hỏng nặng. Hàng trăm tấm đan bị bong tróc, đà bê tông khử áp lực đáy hồ bị đẩy lên, lòi cốt sắt.
Năm 2007, Bộ Nông nghiệp - Môi trường phê duyệt mức đầu tư 10,5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa hồ. Sau này, số tiền đầu tư sửa chữa lên đến khoảng 14 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu xem lại đường dẫn nước.
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, anh Nguyễn Quốc Khánh - cán bộ Trung tâm Nước sạch phụ trách xã An Sơn cho biết, nhiều năm qua, hồ không có nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ thống đường ống dẫn nước vẫn chưa được kiểm tra lại.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu địa phương khẩn trương kiểm tra hệ thống dẫn nước của công trình. Trên cơ sở đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, hạn chế việc người dân phải mua nước chở từ đất liền với giá cao.
“Công trình được xây dựng kiên cố nhưng không sử dụng được thì phải làm rõ nguyên nhân, từ đó tìm giải pháp khắc phục”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.