8 quan niệm lỗi thời nhiều cha mẹ vẫn 'nhồi nhét' vào đầu con
Theo Bright Side, có 8 quan điểm tưởng là đúng đắn nhưng hóa ra lại là sai lầm và lỗi thời, cha mẹ nên điều chỉnh trong quá trình nuôi dạy con.

1. Bố mẹ sẽ cho con những gì tốt nhất: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không quan tâm đến người khác. Chúng sẽ đòi bằng được những gì mà mình muốn, vào bất cứ khi nào mình cần. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có thể sống thiếu trách nhiệm, ích kỷ, kỹ năng xã hội kém, và sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt được mục đích của mình. Cách tốt nhất cha mẹ cần làm là thiết lập ranh giới , xác định nhiệm vụ của con, chú ý đến cách cư xử và hành vi. Ảnh: Freepik.

2. Là con cái phải nghe lời cha mẹ: Cha mẹ luôn mong đợi con cái nghe lời. Nhưng họ không nghĩ rằng thói quen liên tục vâng lời và tuân thủ các quy tắc có thể gây hại cho tương lai của trẻ. Những người lớn "ngoan ngoãn" thường không đứng lên bảo vệ bản thân, họ có thể trở thành nạn nhân của những kẻ thao túng. Họ chỉ biết thực hiện các mệnh lệnh mà không có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì, và họ cũng không chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Đó là lý do cha mẹ cần phải dạy con cách nói "Không" và cách bày tỏ ý kiến của mình. Ảnh: Freepik.

3. Điểm 9,10 là học giỏi, điểm 5,6 là học dốt: Coi trọng điểm số là cách cha mẹ khiến con phải chịu đựng áp lực suốt đời vì "hội chứng học sinh giỏi". Thay vào đó, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng thất bại là chuyện bình thường trong cuộc sống, nó không đại diện cho toàn bộ con người và năng lực của con. Thực tế, thất bại có thể mang lại lợi ích cho trẻ. Nó dạy cho trẻ cách đối phó với một tình huống tiêu cực, cung cấp kinh nghiệm sống có giá trị và sẽ giúp trẻ tìm ra giải pháp cho các tình huống khó khăn trong tương lai. Ảnh: Freepik.

4. Không được đánh nhau và không được đánh trả: Nếu cha mẹ cứ cố gắng nhồi nhét vào đầu con rằng trong mọi trường hợp, chúng không được xúc phạm người khác, đứa trẻ sẽ chỉ im lặng và chịu đựng những kẻ bắt nạt mà không nói một lời. Chúng sẽ không thể tồn tại trong một môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, đó cũng không thể là cái cớ để dạy trẻ đánh nhau với mọi người. Các nhà tâm lý học khuyên rằng cha mẹ nên nói cho con biết rằng bản thân con có quyền bảo vệ chính mình và dạy con cách đứng lên bảo vệ bản thân. Ảnh: Pexels.

5. Con nên đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông: Nếu đứa trẻ không biết mình muốn trở thành ai, chúng có nhiều khả năng chọn phương án do cha mẹ đề xuất. Nếu tình huống này xảy ra, có nhiều khả năng, sau này con sẽ phải hối tiếc vì đã làm công việc mà mình không yêu thích. Để tránh điều này, cha mẹ không nên tạo áp lực quá lớn đối với con. Hãy cho con cơ hội được sắp xếp kế hoạch cuộc đời của mình. Ở nhiều quốc gia, trẻ được khuyến khích "gap year" một năm sau khi tốt nghiệp THPT. Trong thời gian này, họ có thể làm việc hoặc trải qua một số khóa học, nhưng quan trọng nhất là dành thời gian để suy nghĩ về kế hoạch tương lai. Ảnh: Freepik.

6. Việc của con là học, còn lại tất cả có mẹ lo: Cha mẹ không nên bảo con mình chỉ tập trung vào một nhiệm vụ chính và cố gắng giải quyết các vấn đề còn lại cho con. Bất kỳ ai cũng nên phát triển các kỹ năng và chịu trách nhiệm về mọi thứ trong cuộc sống của họ. Những kỹ năng này thường đi kèm với kinh nghiệm mà một đứa trẻ sẽ không có nếu chúng được nuôi dạy với sự quan tâm quá mức. Ảnh: Pexels.

7. Chỉ có bằng đại học mới giúp con thành công: Tất nhiên, giáo dục đại học rất quan trọng khi chúng ta nói về những công việc như thiết kế máy bay hoặc kỹ sư xây dựng. Song, thành công của một người không phải chỉ dựa vào một mình tấm bằng đó. Đó là lý do trên thế giới vẫn có rất nhiều người thành công dù họ chưa từng bước chân vào trường đại học. Ảnh: Pexels.

8. Việc của con là học, không phải làm thêm: Việc học là quan trọng nhưng đi làm bán thời gian cũng mang lại cho con nhiều kinh nghiệm quý giá, các mối quan hệ xã hội và thậm chí có thể quyết định tương lai của chúng. Khi những người trẻ tuổi bắt đầu làm việc sớm, họ học cách hoàn thành công việc đúng thời gian quy định, lập danh sách việc cần làm và nhận phản hồi từ người quản lý. Chưa kể, ngày nay, các nhà tuyển dụng hiểu được giá trị của công việc làm thêm của các bạn học sinh, sinh viên, vì vậy sẽ rất tốt nếu có nó trong CV. Ảnh: Freepik.