Thông tin mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ Học viện Ngoại giao.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28, ngày 24/2, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại trong hệ thống chính trị. Bộ Ngoại giao trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết, pháp lệnh, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng.
Về đại diện trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước: Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ đại diện cho Đảng, Nhà nước trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo quy định.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại diện của Chủ tịch nước tại các tổ chức quốc tế.
Về công tác ngoại giao kinh tế: Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ xây dựng quan hệ chính trị đối ngoại và khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương phù hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; nghiên cứu, dự báo và thông tin về các vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế...
Về công tác thông tin đối ngoại: Bộ Ngoại giao triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại; phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đối ngoại; tổ chức họp báo quốc tế trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật...
Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm 25 đơn vị
Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao bao gồm: Vụ Châu Âu; Vụ Châu Mỹ; Vụ Đông Bắc Á; Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; Vụ Trung Đông - Châu Phi; Vụ Chính sách đối ngoại; Vụ Ngoại giao kinh tế; Vụ ASEAN; Vụ các Tổ chức quốc tế; Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; Vụ Thông tin Báo chí.
Cùng với đó là Vụ Tổ chức Cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; Cục Lãnh sự; Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại; Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa; Cục Quản trị Tài vụ; Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban Biên giới quốc gia; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo nghị định, đây là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao còn có Học viện Ngoại giao và Báo Thế giới và Việt Nam là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Nghị định nêu rõ, Vụ Châu Âu được tổ chức 5 phòng; các Vụ: Tổ chức Cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế được tổ chức 4 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Trung Đông - Châu Phi được tổ chức 3 phòng.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao và ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ Học viện Ngoại giao.