Thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam - Hà Lan
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực như: Chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh... và ngày càng đi vào chiều sâu.
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO:
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2019).
Quan hệ Việt Nam – Hà Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều các cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
II. QUAN HỆ KINH TẾ - THƯƠNG MẠI - ĐẦU TƯ:
Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hóa dược), Philips (điện tử)...
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
Trong thời gian qua, viện trợ phát triển không hoàn lại cho Việt Nam của Hà Lan chủ yếu thực hiện qua các chương trình như Chương trình ORIO (hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho 45 nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, 2009-2017), Chương trình DRIVE (lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sờ hạ tầng, 2017- nay), Chương trình NICHE (chương trình hợp tác Tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông, đã kết thúc vào cuối năm 2016), Chương trình OKP (nâng cao năng lực ngành nước và nông nghiệp Việt Nam, từ 2016 - 2023).
IV. HỢP TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC KHÁC:
1. Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước: Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động. Nhiều dự án trong lĩnh vực và khuôn khổ Ủy ban được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.
2. Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực: Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực, hai bên đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau-hoa quả, làm vường, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
3. An ninh - Quốc phòng: Hợp tác trong lĩnh vực này gồm các hợp đồng đóng tàu quân sự với Tập đoàn Damen, các khóa đào tạo gìn giữ hòa bình tại Hà Lan. Từ 2015 đến nay, phía Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực thực thi “Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” tại Việt Nam.
4. Giáo dục - đào tạo: Nhiều trường Hà Lan và cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học. Hàng năm Chính phủ Hà Lan (thông qua Bộ Ngoại giao Hà Lan) hỗ trợ cho Việt Nam một số chương trình đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, luật biển, công ước quốc tế về chống tra tấn (UNCAT). Ngoài ra, Trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu xã hội Hà Lan (ISS) giai đoạn 2013 – 2016, hai bên đã thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách theo phương pháp liên ngành dựa trên bằng chứng” (2009 – 2011); Khóa tập huấn về Hoạch định chính sách quản lý tài nguyên nước do NUFFIC (Hà Lan) hỗ trợ (2013)…
5. Giao thông vận tải: Hai bên hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngành hàng hải và đường thủy; lĩnh vực hàng không; chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho ngành giao thông vận tải; hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải hai nước (Tập đoàn Damen và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC đã hợp tác lập Công ty TNHH đóng tàu Damen - Sông Cấm và đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm, hoạt động từ năm 2014). Ngoài ra, hai bên đã ký Ý định thư giữa Đối tác Hàng hải thuộc Chương trình Kinh doanh Quốc tế Hà Lan (PIB) hợp tác với Tổ hợp thủy Việt Nam về hàng hải, cảng và đường thủy nội địa; Bản ghi nhớ giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Tập đoàn STC Hà Lan; Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải thủy.
6. Hải quan và hàng hải: Hai bên đã ký kết Hiệp định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan (4/2019). Hợp tác hàng hải hiện nay gồm đóng tàu tìm kiếm cứu nạn, hợp tác đào tạo với Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Giao thông vận tải TPHCM, hợp tác nghiên cứu về cảng biển. Hai nước đã ký Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Quy định I/10 của Công ước STCW (ký ngày 14/01/2002); Bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines và Tập đoàn STC Hà Lan về hợp tác đào tạo ngành hàng hải (7/2017).
7. Hợp tác giữa các địa phương: gồm hợp tác giữa TPHCM và TP Rotterdam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu; Hà Nội và TP Amsterdam tập trung vào các giải pháp đô thị xanh; cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, quản lý nước mặt và nước ngầm; xử lý chất thải rắn, chuyển hóa chất thải thành năng lượng; quy hoạch chung, quy hoạch không gian; quản lý nước tích hợp, biến đổi khí hậu và quản lý nguy cơ lũ lụt liên quan tới khu vực sông Hồng; Bình Dương và TP Eindhoven và TP Emmen trong lĩnh vực nguồn nhân lực, công nghệ cao, kinh doanh, môi trường sống chất lượng, nghiên cứu khả thi mô hình ba nhà (nhà nước – viện nghiên cứu – nhà doanh nghiệp); An Giang và TP Oss về giáo dục – đào tạo, nông nghiệp…; Đồng Tháp và TP Emmen trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục và đào tạo; Vĩnh Long và tỉnh Gelderlands trong lĩnh vực nông nghiệp, dinh dưỡng vật nuôi, sản xuất thực phẩm và an toàn thực phẩm; Bình Phước và thành phố Hoogeveen về thương mại đầu tư.
8. Kinh tế tuần hoàn: Bộ Công Thương Việt Nam đã ký với các đối tác Hà Lan một số văn bản liên quan đến lĩnh vực này như Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn giữa Cục Kỹ thuật An toàn Môi trường Công nghiệp với tổ hợp doanh nghiệp Hà Lan (4/2019) và Tuyên bố chung về hợp tác giảm phát thải trong sản xuất và tiêu dùng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan (12/2022).
IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI HÀ LAN:
Theo Cục Thống kê Hà Lan, cộng đồng người Việt Nam năm 2020 ở Hà Lan khoảng hơn 20.000 người. Số lượng học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang du học, nghiên cứu tại Hà Lan khoảng 400 học sinh/năm, đa phần là tự túc. Tháng 6/2016, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan chính thức ra đời nhằm gắn kết và giúp đỡ các du học sinh Việt Nam tại Hà Lan.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn