Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo phòng chống rét. Cụ thể, chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng; nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ hoặc trấu khô; thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét. Đồng thời, có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết: Cùng với việc gia cố chuồng trại, các địa phương và các hộ chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho gia súc. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Do vậy, khi rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và không tắm cho gia súc.
Đối với trâu, bò tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ ure…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể ví dụ như trâu bò 300kg thì cho ăn 30 kg cỏ xanh, cỏ ủ; bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo ( khoảng 0,5-1kg/con/ngày). Ngoài ra, người nuôi có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò ( thân cây ngô, cỏ voi…) với lượng 7-10kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.
Đối với lợn khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn; cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa. Đối với gia cầm có thể tăng lượng thức ăn cho gà, cho gia cầm uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng; thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng.
Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Sở khuyến cáo người dân thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vaccine cần thiết cho từng loại vật nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc dịch bệnh.
Tận dụng vùng bãi bồi ven sông Hồng, nhiều hộ dân ở xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đã thành công với mô hình nuôi bò thịt, ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Quyết Thắng, xã Tân Hưng cho biết, tận dụng vùng bãi ven sông Hồng các thành viên trong hợp tác xã đã kết hợp trồng nhãn VietGAP, nuôi cá, trồng cây dược liệu và trồng cỏ nuôi bò. Hiện hợp tác xã có 17 thành viên, trung bình mỗi thành viên nuôi từ 4 - 5 con, hộ nhiều 10 con. Thức ăn chủ yếu là cỏ, chuối và rơm, hiện hầu hết các gia đình cũng đã đầu tư máy thái cỏ, thái chuối nên rất thuận lợi cho việc nuôi bò.
Ông Mý chia sẻ, bò của hợp tác xã chủ yếu là nuôi nhốt nên hợp tác xã đã hướng dẫn bà con chủ động dự trữ nguồn thức ăn như rơm khô, chuối và cỏ voi... đảm bảo vật nuôi không bị đói rét. Đến nay, hầu hết các hộ nuôi trong hợp tác xã đã có máy thái cỏ nên việc dự trữ thức ăn cho bò thuận lợn hơn.
Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo, ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với thương hiệu gà Đông Tảo. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quang Thắng chia sẻ, tháng 9/2016, ông Thắng đã vận động người dân trong xã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo với 16 thành viên.
Đến nay, Hợp tác xã có 17 thành viên, với tổng đàn khoảng 10. 000 con, sản lượng thịt 40-50 tấn/năm, chiếm 12% tổng sản lượng thịt toàn huyện và được xuất bán chủ yếu cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…
Theo ông Thắng, gà Đông Tảo có giá trị kinh tế cao, rất thích hợp cho việc làm quà biếu, nhất là dịp Tết Nguyên đán nên việc bảo đảm chăm sóc được người nuôi đặc biệt chú trọng. Khi trời trở lạnh, hợp tác xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi tăng cường quây bạt che chắn chuồng nuôi, rải trấu dày và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Để tăng cường sức đề kháng cho đàn gà, ông Thắng và các hộ nuôi luôn tuân thủ việc tiêm vaccine định kỳ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 500.000 con lợn, trên 34.000 con trâu, bò và khoảng 8,6 triệu con gia cầm... Chất lượng con giống ngày càng được nâng lên với 100% là lợn nạc và siêu nạc, 100% đàn bò được sinh hóa, đàn gà lông màu chiếm trên 90% tổng đàn. Hình thức và quy mô chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.