Thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù cho kinh tế tư nhân vào ngày 17/5

Quốc hội dự kiến thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân lúc 11h ngày 17/5.

Tối 14/5, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội với một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc xây dựng và thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù của Quốc hội để hiện thực hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân rất cấp bách và khẩn trương.

Bảo đảm cơ chế đủ mạnh, linh hoạt cho doanh nghiệp tư nhân

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm ký, ban hành Nghị quyết 68 và đến nay ngày 14/5, sau 10 ngày Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội với mong muốn làm sao Nghị quyết của Quốc hội được thông qua vào ngày 17/5.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo phiên họp vào tối ngày 14/5. Ảnh: Đức Nghĩa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo phiên họp vào tối ngày 14/5. Ảnh: Đức Nghĩa

Dự kiến vào 11 giờ ngày thứ Bảy, 17/5, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống giống như cách Quốc hội làm với Nghị quyết 193 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Lãnh đạo Quốc hội khẳng định: Quan điểm của Quốc hội là Nghị quyết sẽ chắt lọc, không quá dài và khi đọc Nghị quyết sẽ thấy nhiều điểm mới về kinh tế tư nhân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để Nghị quyết đi vào cuộc sống và hạn chế các vướng mắc, chồng chéo phát sinh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV lần này, Quốc hội sẽ sửa tất cả các luật có liên quan đến kinh tế tư nhân. Trong đó có Luật Tố tụng dân sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Đầu tư, Đấu thầu, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Thanh tra…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Đức Nghĩa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Đức Nghĩa

Các nội dung cơ bản của Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội cho Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc đưa các nội dung, đột phá tư tưởng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kinh tế tư nhân như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, hỗ trợ tài chính tín dụng, mua sắm công, thúc đẩy PPP và đặt hàng doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Cơ chế chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư theo phương châm phải bình đẳng giữa tư nhân trong nước cũng tương tự như môi trường hoạt động của doanh nghiệp FDI.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tinh thần Nghị quyết sẽ hướng đến thay đổi tư duy quản lý Nhà nước. “Nhà nước thay vì kiểm soát, giám sát trước đây, giờ phải chuyển sang kiến tạo, phát triển. Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không dấn sâu vào sự phát triển của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp. Ảnh: Đức Nghĩa

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp. Ảnh: Đức Nghĩa

Về yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội chịu trách nhiệm xây dựng, tiếp thu dự thảo Nghị quyết này ngay trong đêm nay (ngày 14/5) tiếp thu các ý kiến, đưa kết luận tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đẩy lên hệ thống điện tử để sáng mai các đại biểu góp ý và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Lựa chọn chính sách có thể thực thi ngay

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và ý kiến tiếp thu, giải trình của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, phối hợp chặt chẽ và từ rất sớm giữa Ủy ban Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Đến nay, dự thảo và báo cáo thẩm tra đã được hoàn thiện với nhiều nội dung kỹ lưỡng, xác đáng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp. Ảnh: Đức Nghĩa

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp. Ảnh: Đức Nghĩa

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 9.
Dự thảo đã xác lập ba nhóm chính sách thể chế rõ ràng. Trong đó, một số nội dung có thể triển khai ngay; một số được định hướng thể chế hóa trong Chương trình xây dựng luật năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; một số khác đóng vai trò là chính sách khung để Chính phủ tiếp tục hướng dẫn và tạo thông điệp, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, cần rà soát sự phù hợp của dự thảo với các cam kết quốc tế, đặc biệt là trong các Hiệp định thương mại tự do liên quan đến bảo hộ đầu tư.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn để Nghị quyết được thông qua có thể ban hành và thực hiện ngay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng một luật riêng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-qua-nghi-quyet-co-che-dac-thu-cho-kinh-te-tu-nhan-vao-ngay-175-387616.html
Zalo