Liên kết - hợp tác cùng phát triển du lịch bền vững

Liên kết - hợp tác, cùng phát triển du lịch là một trong những hướng đi quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Việc liên kết - hợp tác du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội cho các địa phương.

Sức mạnh từ sự gắn kết liên vùng

Những năm gần đây, mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đã trở thành xu hướng nổi bật. Đơn cử như sự hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một điển hình cho thấy việc phối hợp đồng bộ về xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm chung và chia sẻ hạ tầng, nhân lực đang góp phần tạo ra sự đột phá cho cả vùng.

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho các doanh nghiệp du lịch - lữ hành. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho các doanh nghiệp du lịch - lữ hành. Ảnh: THẠCH PÍCH

Để phát huy những lợi thế đó, cuối tháng 3 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch. Với chủ đề “Nâng tầm kết nối - phát triển bền vững”, chương trình không chỉ dừng lại ở ký kết hợp tác mà đã bước vào giai đoạn hành động cụ thể với việc xây dựng tuyến du lịch chung, chia sẻ dữ liệu du lịch, tổ chức tour liên tỉnh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Đồng chí Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: “Liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch từng vùng, xây dựng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các địa phương cần tăng cường phối hợp với các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Kông để mở rộng phát triển tuyến du lịch đường sông, chủ yếu với Thái Lan và Campuchia”.

Việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch giữa các địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Lâm Hữu Phúc chia sẻ: “Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Sau khi sáp nhập tỉnh, các địa phương cần phải xác định lại để xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, tránh trùng lắp sản phẩm du lịch trong vùng nói chung và trùng lắp sản phẩm du lịch trong tỉnh nói riêng, nhằm tạo sự khác biệt và đa dạng sản phẩm du lịch trong liên kết thu hút khách du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL”.

Từ năm 2019, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã trở thành điểm sáng, luôn được đánh giá cao từ các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành, các sở, ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng làm du lịch. Mỗi địa phương đều có tiềm năng riêng nhưng không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện để phát triển du lịch một cách toàn diện. Việc liên kết, chia sẻ lợi thế là lời giải cho bài toán phát triển không đồng đều.

Nghi thức khởi động phát động chương trình hành động phát triển du lịch xanh bền vững Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”. Ảnh: THẠCH PÍCH

Nghi thức khởi động phát động chương trình hành động phát triển du lịch xanh bền vững Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Năm vừa qua, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khảo sát, xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng; hơn 2,7 triệu lượt khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; bình chọn và công bố 50 điểm du lịch hấp dẫn từ Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Chương trình liên kết vùng đã xây dựng không gian chung để cộng đồng doanh nghiệp du lịch tạo ra sự cộng hưởng với những giá trị kép, với những chính sách kích cầu du lịch rất hấp dẫn và các điều kiện thuận lợi cho thị trường du khách quốc tế và khách nội địa”.

Thách thức và cơ hội

Liên kết, hợp tác không chỉ diễn ra ở cấp chính quyền mà còn diễn ra giữa các doanh nghiệp, quan trọng hơn là với cộng đồng dân cư tại điểm đến. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của du lịch bền vững là người dân địa phương phải trở thành trung tâm của sự phát triển.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel Nguyễn Hà Trung bày tỏ: “Vietravel xác định rằng, việc phát triển sản phẩm du lịch bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm để bảo tồn tài nguyên và giá trị văn hóa của ĐBSCL; đồng thời, mang lại lợi ích lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Chúng tôi đã triển khai nhiều sáng kiến cụ thể, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch vừa độc đáo, vừa thân thiện với môi trường và gắn kết chặt chẽ với bản sắc vùng miền”.

Để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh hấp dẫn, cần có sự kết nối giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú đảm bảo chất lượng, hệ thống dịch vụ đồng nhất và đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Nhiều địa phương đã chủ động cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, đầu tư bến cảng; đồng thời, kêu gọi xã hội hóa trong phát triển khu du lịch sinh thái, công viên giải trí, làng nghề truyền thống.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm du lịch. Ảnh: THẠCH PÍCH

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm du lịch. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Liên kết, cùng hợp tác, cùng phát triển đã trở thành xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu, hoạt động du lịch cũng nằm trong số đó. Chính vì thế, để thay đổi diện mạo và kích cầu sự phát triển du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xác định được trọng tâm liên kết - hợp tác lĩnh vực du lịch và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai trên cả nước và cũng chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian qua và các giai đoạn tiếp theo”.

Với những nỗ lực trong việc liên kết - hợp tác và cùng phát triển du lịch bền vững, riêng tỉnh Sóc Trăng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Sự đồng hành của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc để ngành du lịch Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.

Trong năm 2024, điểm du lịch chùa Bô Tum Wongsa Som Rong và chùa Sro Lôn (Chén Kiểu) lọt vào top 50 điểm đến hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch, gắn với khai thác các lễ hội, khai thác phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhằm từng bước định hình tính đa dạng sản phẩm du lịch ở địa phương.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202505/lien-ket-hop-tac-cung-phat-trien-du-lich-ben-vung-ec81fa4/
Zalo