Đầu bếp nước Pháp cởi mở hơn với trí tuệ nhân tạo

Tại buổi lễ trao sao Michelin thường niên của ngành ẩm thực Pháp mới đây, câu chuyện được bàn tán nhiều không chỉ xoay quanh nhà hàng nào thăng hạng hay bị rớt sao, mà đó là chủ đề 'nóng' - trí tuệ nhân tạo (AI).

“AI là chủ đề chính của bàn tiệc gồm 12 đầu bếp mà tôi ngồi cùng”, đầu bếp Matan Zaken, chủ nhà hàng Nhome đạt 1 sao Michelin tại Paris chia sẻ với AFP. Anh cho rằng nhiều đồng nghiệp đã và đang sử dụng các công cụ như ChatGPT để hỗ trợ lên ý tưởng món ăn, nhưng lại ngại ngùng thừa nhận vì cái tôi nghề nghiệp quá lớn.

Đầu bếp Matan Zaken công khai về việc áp dụng AI vào bếp. Ảnh: AFP

Đầu bếp Matan Zaken công khai về việc áp dụng AI vào bếp. Ảnh: AFP

Đầu bếp Zaken, 32 tuổi, là một trong số ít người công khai sử dụng AI trong công việc. Anh cho biết AI mang lại những tổ hợp nguyên liệu bất ngờ, giúp tạo ra trải nghiệm thú vị cho thực khách. "Bạn phải bắt kịp thời đại", đầu bếp người Pháp gốc Israel nhấn mạnh. Ở nhà hàng nhỏ chỉ 20 chỗ ngồi của anh, thực khách thường quây quần quanh bàn lớn chung.

Thay vì chỉ dựa vào sách công thức hay sổ tay thử món, Zaken tận dụng kho dữ liệu khổng lồ trên mạng, từ ảnh món ăn, công thức nấu, đến cả phân tích hóa học của thực phẩm. Anh cho biết phiên bản ChatGPT Premium anh dùng thậm chí đã bắt đầu "học" được phong cách nấu ăn của mình. Nhờ đó, anh phát hiện ra sự kết hợp thú vị giữa đậu phộng và tỏi.

Gần đây, Zaken còn hợp tác với nhóm nghệ thuật số Obvious Art. Đây là nhóm tạo ra loạt hình ảnh món ăn bằng AI, và anh phải chế biến những món dựa trên các hình ảnh đó. Đây là quy trình sáng tạo đảo ngược so với cách nấu ăn truyền thống vốn bắt đầu từ nguyên liệu trước tiên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hứng thú với AI trong bếp. Một số đầu bếp vẫn e ngại khi máy tính can thiệp vào quá trình sáng tạo, vốn được xem là lãnh địa “thiêng liêng” của con người.

“AI không thể thay thế được cảm nhận vị giác của đầu bếp”, Philippe Etchebest, đầu bếp nổi tiếng người Pháp, vừa nhận sao thứ hai cho nhà hàng Maison Nouvelle ở Bordeaux phát biểu. "Ở những ngành khác thì có thể chứ trong bếp tôi không tin AI có thể làm được”, ông nhấn mạnh.

Một số đầu bếp còn e ngại về mức độ sử dụng AI của họ. Ảnh: AFP

Một số đầu bếp còn e ngại về mức độ sử dụng AI của họ. Ảnh: AFP

Một số người khác cho rằng công nghệ không phù hợp với tinh thần thủ công đặc thù nghề bếp, nơi kiến thức và kỹ năng được truyền từ người sang người, gắn liền với nguyên liệu địa phương. "Nó không phù hợp với bản chất công việc của chúng tôi", đầu bếp Thibaut Spiwack, chủ nhà hàng Anona (1 sao Michelin, Paris) nhận định.

Tại buổi tiệc hậu sự kiện Michelin, bếp trưởng bánh Thierry Bridron của trường nấu ăn Valrhona giơ tay phát biểu “Trí tuệ của tôi nằm ở đây. Thiên nhiên và những gì mọc lên từ đất mới là điều đẹp nhất chứ không nên hoàn toàn lệ thuộc AI”.

Bất kể quan điểm về AI trong sáng tạo ẩm thực ra sao, nhiều đầu bếp vẫn sẵn sàng sử dụng ChatGPT để giảm bớt các công việc hành chính như viết e-mail, đăng tuyển dụng, hoặc sắp xếp lịch làm việc trong bếp.

Một số ứng dụng trên điện thoại như Menu hay Fullsoon còn cho phép nhập công thức nấu ăn và lập tức tính toán chi phí cũng như lượng khí thải carbon. Dựa trên dữ liệu hóa đơn và lịch sử mua hàng, nhiều dịch vụ AI đã giúp các nhà hàng dự đoán nhu cầu thực khách, thậm chí tính đến cả yếu tố thời tiết và lịch thi đấu thể thao địa phương.

Các ứng dụng trên điện thoại có thể giúp kết hợp thực phẩm lại với nhau, tạo nguồn cảm hứng cho đầu bếp sáng tạo món ăn mới mẻ. Ảnh: AFP

Các ứng dụng trên điện thoại có thể giúp kết hợp thực phẩm lại với nhau, tạo nguồn cảm hứng cho đầu bếp sáng tạo món ăn mới mẻ. Ảnh: AFP

Theo Raphael Haumont, chuyên gia hóa học thực phẩm tại Đại học Paris Saclay và đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới Ẩm thực Pháp, AI có thể tạo ra cuộc cách mạng ngay trên từng chiếc đĩa.

Ông cho biết các cơ sở dữ liệu về phân tử trong thực phẩm đang giúp phát hiện những tổ hợp hương vị mới. “Máy tính có thể tìm ra các điểm chung bất ngờ, ví dụ như socola và dưa leo. Giờ thì ta biết là chúng hợp nhau,” ông nói.

Một số phần mềm hỗ trợ bởi AI hiện đã có thể phân tích hàng trăm nghìn cuốn sách dạy nấu ăn và đề xuất cách bày trí món ăn mới lạ. "Ví dụ, hệ thống có thể xem 10.000 hình ảnh về món tôm langoustine rồi đề xuất món tiếp theo có thể trình bày thế này, hãy thử cảm hứng đó”, ông nói thêm.

Trong tầm nhìn của mình, ông Haumont tin rằng robot chính xác cao có thể đảm nhận những công việc nhàm chán nhất trong bếp, một ngành vốn luôn thiếu hụt lao động. "Ai mà muốn gọt khoai tây suốt hai tiếng liền cơ chứ?”, ông kết lại.

Theo AFP, France24

Phúc An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/dau-bep-nuoc-phap-coi-mo-hon-voi-tri-tue-nhan-tao/
Zalo