Thông qua dự thảo Đề án hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị thông qua Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và triển khai kế hoạch Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang điều hành thảo luận tại Hội nghị.

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang điều hành thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thông qua nhiều dự thảo Đề án quan trọng như: dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang; dự thảo Đề án hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp tỉnh và cấp xã); Đề án hợp nhất giữa Báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh Tuyên Quang; kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Hình thành không gian phát triển mới

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang sau sắp xếp, tỉnh có 51 đơn vị hành chính (gồm 46 xã và 5 phường), giảm 86 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ giảm 62,77%. Dự thảo Đề án nêu cụ thể các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giải quyết chế độ chính sách sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; bố trí, xử lý trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp; phương án và lộ trình thực hiện các chế độ chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực.

Đối với dự thảo Đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh hai Tuyên Quang và Hà Giang, nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Tỉnh hình thành sau sắp xếp là tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên là 13.795,51 km2 (đạt 172% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 1.865.270 người (đạt 207% so với tiêu chuẩn) và 124 đơn vị hành chính trực thuộc (117 xã, 7 phường); nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Việc hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang để thành lập tỉnh Tuyên Quang giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tăng cường khả năng quản lý nhà nước, tối ưu hóa bộ máy hành chính, giảm bớt tầng lớp trung gian và hình thành không gian phát triển mới, có tính liên kết vùng cao. Qua đó, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ’ thuận lợi cho việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất, mở rộng quy mô thị trường và thu hút đầu tư; cải thiện chất lượng dịch vụ công; hình thành điểm đến du lịch phong phú, đa dạng về văn hóa và cảnh quan. Đồng thời, việc hợp nhất còn tạo ra cơ chế chỉ huy, điều phối quốc phòng - an ninh thống nhất, tăng cường sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận phòng thủ và bảo vệ biên giới quốc gia.

Sau hợp nhất, Tuyên Quang sẽ là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; các chính sách đặc thù đối với tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới và các xã An toàn khu, vùng An toàn khu, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vẫn được tiếp tục áp dụng cho đến khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền...

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bô Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng dự thảo kế hoạch Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 đảm bảo thống nhất nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 45; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội chi bộ, đảng bộ các cấp; đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định cũng như đổi nới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết; coi trọng chất lượng, không phô trương, hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực...

Đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, liên quan đến các dự thảo Đề án. Các ý kiến bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự thảo đề án, kế hoạch; đồng thời làm rõ nhiều nội dung, bổ sung các giải pháp để hoàn thiện các đề án, kế hoạch đảm bảo chất lượng, khả thi và hiệu quả.

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga nhấn mạnh, để xây dựng các dự thảo đề án, kế hoạch, các cơ quan chủ trì, các Ban chỉ đạo, Tổ công tác, Tổ giúp việc đã thực hiện khẩn trương, kỹ lưỡng, đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cử tri, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Để sớm thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai sâu rộng các đề án, kế hoạch đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo công tâm, khách quan; tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp trên địa bàn đảm bảo đúng quy định, tiến độ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã để ra.

Tin, ảnh: Hoàng Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thong-qua-du-thao-de-an-hop-nhat-hai-tinh-tuyen-quang-va-ha-giang-20250426193359878.htm
Zalo