HĐND 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai họp trực tuyến về chủ trương hợp nhất
Chiều 26/4, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề) để quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, tại kỳ họp đã kết nối trực tuyến với HĐND tỉnh Lào Cai để thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp, hợp nhất 2 tỉnh.
Tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái - Tạ Văn Long nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp và thực hiện các nghị quyết, quyết định, kế hoạch Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Yên Bái.

Kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái (ảnh: Hiên Thủy)
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tích cực phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái; chỉ đạo các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng các đề án thành phần; xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh Lào Cai.
Hai đề án đã được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, cho ý kiến và UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; HĐND cấp xã, cấp huyện cũng đã tổ chức họp thông qua chủ trương.

Các đại biểu thông qua nhiều nghị quyết tại kỳ họp (ảnh: Hiên Thủy)
Tại kỳ họp này, HĐND 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai đã kết nối trực tuyến và các đại biểu HĐND của 2 tỉnh đã cùng thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh Lào Cai với tỷ lệ tán thành đạt 100%.
Bên cạnh đó, Kỳ họp lần thứ 23 của HĐND tỉnh Yên Bái đã thảo luận và thông qua 14 Nghị quyết quan trọng khác. Trong đó có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Yên Bái. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.