Thống nhất tổ chức lại 133 xã, phường thành 40 đơn vị hành chính

Kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 của HĐND thành phố diễn ra sáng 25/4 đã thông qua 20 nghị quyết. Đáng chú ý, các đại biểu đã thống nhất rất cao về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (Đề án) cấp xã.

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố - ông Lê Trường Lưu phát biểu bế mạc kỳ họp

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố - ông Lê Trường Lưu phát biểu bế mạc kỳ họp

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố - ông Lê Trường Lưu; UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố - ông Nguyễn Quang Tuấn cùng chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Văn Phương.

Gỉam gần 70% đơn vị hành chính cấp xã

Trình bày tờ trình tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Mạnh cho biết, từ tổng số 133 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã hiện có (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn), TP. Huế tiến hành sắp xếp để tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã, gồm 21 phường và 19 xã. Trong đó 1 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án giữ nguyên hiện trạng; 2 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 2 ĐVHC; 24 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 3 ĐVHC; 11 ĐVHC cấp xã được tổ chức lại theo phương án nhập 4 ĐVHC; 2 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 6 ĐVHC. Kết quả này tương ứng với việc giảm 93 đơn vị (27 phường, 59 xã và 7 thị trấn), tức giảm khoảng 69,92% tổng số ĐVHC cấp xã.

Ông Nguyễn Văn Mạnh thông tin, thành phố cũng thực hiện lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn 1.086 thôn, tổ dân phố của 132 xã, phường, thị trấn. “Tỷ lệ Nhân dân đồng ý với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã đạt tỷ lệ cao: 99,21% so với tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến”, ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, các ĐVHC mới sau sắp xếp bảo đảm các nguyên tắc như, giảm số lượng, tăng quy mô quản lý theo tỷ lệ quy định; các đơn vị được nhập có vị trí liền kề, thuận tiện giao thông, tương đồng về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội; đối với các xã ven biển hoặc miền núi, đều là địa bàn trọng điểm quốc phòng – an ninh, có khả năng phát triển kinh tế biển, đầm phá hoặc gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng văn hóa đặc thù.

Liên quan đến các ĐVHC cấp xã mới, thời gian qua có một số cử tri A Lưới băn khoăn về tên gọi. Thông tin vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Huế - ông Nguyễn Văn Phương cho biết: Việc đặt tên ĐVHC mới chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, bởi trong quá trình sáp nhập, một tên gọi khó có thể bao quát đầy đủ tất cả các vùng, khu vực được nhập lại.

 Thường trực HĐND thành phố điều hành kỳ họp

Thường trực HĐND thành phố điều hành kỳ họp

Tại Huế, nhiều địa phương đã lựa chọn được những tên gọi mang đặc trưng văn hóa, lịch sử, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Riêng huyện A Lưới là vùng đất giàu truyền thống, mang bản sắc riêng biệt, không thể có cái tên nào thay thế được tên gọi "A Lưới" đã đi vào tiềm thức, niềm tự hào của người dân nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, khi địa phương đề xuất phương án đặt tên theo số thứ tự (từ A Lưới 1 đến A Lưới 5), đó là sự lựa chọn mang tính đại diện cao, đảm bảo tính nhận diện, dễ tiếp cận trong công tác quản lý hành chính, số hóa dữ liệu, đồng thời vẫn giữ được tên "A Lưới" thân thuộc.

“Một số ý kiến mong muốn có thể bổ sung thêm yếu tố địa danh vào tên gọi để phản ánh đặc trưng từng vùng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc đặt tên ĐVHC đã được thực hiện rất chặt chẽ, công khai, dân chủ; quy trình lấy ý kiến được tổ chức kỹ lưỡng từ cơ sở, với sự tham gia tích cực của HĐND xã. Không thể nói rằng đại biểu cấp cơ sở thờ ơ với ý kiến của người dân” – ông Phương nhấn mạnh.

Từ góc nhìn quản lý, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, cần ủng hộ phương án sắp xếp hiện tại, bởi không chỉ đảm bảo tính kế thừa, phù hợp thực tiễn, mà còn góp phần khắc phục những hạn chế trong cách đặt tên hành chính trước đây. "Riêng với A Lưới, địa phương có trục giao thông rõ ràng, rành mạch. Việc đặt tên theo thứ tự như đề xuất sẽ thuận lợi cho quản lý và người dân trong tiếp cận thông tin hành chính". ông Phương nói.

Đối với các nơi đặt trụ sở ĐVHC, đại biểu Phan Thiên Định cho rằng, cần cân nhắc sử dụng các trụ sở đóng vai trò trung tâm, đặc biệt là trụ sở UBND huyện, huyện ủy, quận ủy… nơi đang lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đối với ĐVHC cấp xã trung tâm, việc lựa chọn các địa điểm này là trụ sở là hợp lý và nên được ưu tiên.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Văn Phương phát biểu tại kỳ họp

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Văn Phương phát biểu tại kỳ họp

Thẩm tra Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Đề án, Ban Pháp chế HĐND thành phố làm rõ thêm một số trường hợp đặc thù. Cụ thể, phường Dương Nỗ được giữ nguyên do có diện tích lớn, mang yếu tố truyền thống và phù hợp với định hướng phát triển đô thị.

Phường Phong Phú mới được thành lập trên cơ sở nhập phường Phong Phú cũ và xã Phong Thạnh, dù chưa đạt tiêu chí về dân số nhưng phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong khi đó, xã A Lưới 5 được thành lập từ xã Hương Nguyên và xã Hồng Hạ – với 86,17% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đủ điều kiện về dân số và diện tích theo quy định hiện hành.

Sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định

Theo phương án đã được thành phố xây dựng, việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy sau sáp nhập các ĐVHC cấp xã sẽ được thực hiện bám sát các quy định của Trung ương Đảng, Chính phủ và hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan.

Tính đến ngày 1/4/2025, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thành phố Huế là 23.073 người, trong khi biên chế được giao là 23.764 người – tức vẫn còn 691 biên chế chưa sử dụng.

Trong đó: Cấp huyện có 428 cán bộ, công chức thuộc khối Đảng; 760 biên chế khối Nhà nước (701 người đang làm việc); 18.784 biên chế viên chức (18.386 người đã bố trí) và khoảng 145 công chức còn dưới 10 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu.

Cấp xã có 3.021 biên chế cán bộ, công chức (hiện có 2.847 người); trong đó còn 174 biên chế chưa sử dụng, và khoảng 308 người còn dưới 10 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu.

Một trong những giải pháp quan trọng là chuyển toàn bộ biên chế công chức cấp huyện hiện có về cấp xã, đồng thời bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện làm nòng cốt tại các đơn vị cơ sở mới. Thành phố cũng tính đến phương án tăng cường cán bộ cấp tỉnh về xã để đảm bảo chất lượng quản lý điều hành.

Kết quả biểu quyết về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

Kết quả biểu quyết về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

Trước mắt, thành phố Huế sẽ giữ nguyên số lượng biên chế công chức cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại các ĐVHC mới. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện có lộ trình, đảm bảo đúng quy định và không gây xáo trộn lớn.

Dự kiến, mỗi ĐVHC cấp xã sau sắp xếp sẽ có bình quân khoảng 32 biên chế, chưa bao gồm khối Đảng, đoàn thể.

Theo kế hoạch, việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp xã sẽ chấm dứt từ ngày 1/8/2025.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố - ông Lê Trường Lưu đề nghị UBND thành phố khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả những nghị quyết HĐND thành phố đã thông qua; tiếp thu hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố.

Ngoài Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến kinh phí hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ về nhà ở; phương án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách thành phố năm 2024; danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất trồng rừng phòng hộ sang mục đích khác trên địa bàn thành phố; Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2000) một số khu du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố…

Trong khuôn khổ kỳ họp, HĐND thành phố đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các ông: Nguyễn Đại Vui, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, do nghỉ hưu trước tuổi; Lê Bá Phúc, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, do chuyển công tác khác; Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Công Thương, do nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. HĐND thành phố cũng cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Tùng Lâm, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố do chuyển công tác và cư trú đến ĐVHC khác.

Lê Thọ - Đức Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/thong-nhat-to-chuc-lai-133-xa-phuong-thanh-40-don-vi-hanh-chinh-152998.html
Zalo