TP Huế thống nhất tổ chức lại còn 40 đơn vị hành chính

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 HĐND TP Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra ngày 25/4, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Huế được đại biểu thống nhất rất cao. Trong đó, cụ thể là việc sắp xếp, tổ chức lại 133 xã, phường thành 40 đơn vị hành chính.

Giảm gần 70% số lượng xã, phường và thị trấn

Ngày 25/4, HĐND TP Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 23, thông qua 20 nghị quyết quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã từ 133 xã, phường thành 40 đơn vị được các đại biểu thống nhất rất cao.

Trình bày tờ trình về sắp xếp các ĐVHC cấp xã tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở Nội vụ TP Huế, cho biết, từ 133 ĐVHC cấp xã hiện hữu (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn), sau khi sắp xếp, Huế sẽ còn 40 ĐVHC, gồm 21 phường và 19 xã. Như vậy, thành phố giảm 93 ĐVHC cấp xã, tương ứng tỷ lệ 69,92% tổng số xã, phường.

Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thành 40 đơn vị được các đại biểu thống nhất rất cao.

Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thành 40 đơn vị được các đại biểu thống nhất rất cao.

Theo phương án cụ thể, có 1 ĐVHC cấp xã giữ nguyên hiện trạng, 2 đơn vị tổ chức lại từ 2 đơn vị cũ, 24 đơn vị tổ chức lại từ 3 đơn vị, 11 đơn vị từ 4 đơn vị, và 2 đơn vị hợp nhất từ 6 đơn vị cũ. Quá trình sắp xếp được thực hiện dựa trên các nguyên tắc đảm bảo tính liền kề địa lý, tương đồng điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa; thuận lợi cho công tác quản lý, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đặc biệt là đối với các xã ven biển và vùng cao.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân tại 1.086 thôn, tổ dân phố thuộc 132 xã, phường, thị trấn của Huế cho thấy mức độ đồng thuận rất cao. Tỷ lệ cử tri đồng ý với phương án sắp xếp đạt 99,21%.

Giải đáp về tên xã đánh số thứ tự

Một trong những nội dung được cử tri, người dân đặc biệt quan tâm là việc đặt tên cho các ĐVHC mới, nhất là tại huyện A Lưới - vùng đất mang đậm bản sắc, nét truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi.

Nhà truyền thống của người Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới.

Nhà truyền thống của người Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Huế, việc đặt tên mới cho các xã sau sáp nhập là vấn đề luôn được cân nhắc cẩn trọng. Nhiều địa phương tại Huế đã lựa chọn các tên gọi gắn với lịch sử, địa lý hoặc nét văn hóa đặc trưng, qua đó đạt được sự đồng thuận cao từ người dân.

Riêng tại huyện A Lưới, do tính chất đặc thù và mong muốn bảo tồn tên gọi quen thuộc A Lưới - vốn trở thành niềm tự hào của đồng bào nơi đây - địa phương đã đề xuất đặt tên các xã mới lần lượt là A Lưới 1 đến A Lưới 5. Đây là phương án được cân nhắc kỹ lưỡng trên cả phương diện quản lý hành chính lẫn bản sắc địa phương.

Một góc trung tâm huyện miền núi A Lưới nhìn từ trên cao. Ảnh: VP UBND huyện A Lưới

Một góc trung tâm huyện miền núi A Lưới nhìn từ trên cao. Ảnh: VP UBND huyện A Lưới

Ông Phương cho rằng, phương án này đảm bảo giữ được tên gọi A Lưới thân thuộc, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý, số hóa dữ liệu và hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ hành chính một cách dễ dàng, nhất quán. Bên cạnh đó, quy trình đặt tên hoàn toàn công khai, dân chủ, có sự tham gia tích cực từ HĐND cấp xã và được người dân đồng thuận cao.

Tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Huế Lê Trường Lưu cho biết, thành phố đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khi đặt lại tên các xã, đặc biệt là tại khu vực huyện A Lưới.

Ông Lưu nhìn nhận, trong quá khứ đã từng có những tên xã tại A Lưới được ghép từ chữ đầu của các địa phương cũ, gây khó hiểu và thiếu ý nghĩa. Lần này, huyện A Lưới mong muốn việc đặt tên xã mới không làm mất đi địa danh A Lưới đã đi vào lịch sử.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tp-hue-thong-nhat-to-chuc-lai-con-40-don-vi-hanh-chinh-post1737136.tpo
Zalo