Đề xuất lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia, xem xét tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội
Chiều 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hợp pháp khác, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hỗ trợ người dân và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính Công đoàn, để phục vụ công nhân, người lao động thuộc diện hưởng chính sách thuê nhà theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, dự thảo quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án. Trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận hoặc chuyển nhượng, Nhà nước sẽ hoàn trả khoản tiền đã chi trả hoặc tiền sử dụng, thuê đất theo quy định. Trong trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khoản này sẽ được Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính.
Dự thảo cũng đưa ra một số cơ chế đặc thù khác như rút gọn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết; thủ tục đầu tư xây dựng; cơ chế xác định giá bán, thuê mua nhà ở xã hội; và tiêu chí xác định đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết và nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo trình tự rút gọn. Tuy nhiên, một số nội dung cần được làm rõ.
Cụ thể, Ủy ban đồng ý về mặt nguyên tắc với việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia nhưng đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, phạm vi nhiệm vụ chi của Quỹ để tránh chồng chéo với ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo hiệu quả và minh bạch.
Liên quan đến chính sách hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư trong trường hợp có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Văn Liên cho biết, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra không đồng thuận. Lý do là nội dung này có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn lực nhà nước, chưa có đánh giá tác động chính sách cụ thể và cũng chưa được báo cáo Bộ Chính trị. Ngoài ra, thời điểm thực hiện hoàn trả chưa được xác định rõ, có nguy cơ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng và phát sinh tiêu cực.

Quang cảnh phiên họp
Một số ý kiến cho rằng cần đảm bảo công bằng giữa các chủ đầu tư có nguồn gốc đất khác nhau, nhưng vẫn kiến nghị Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị và quy định rõ thời điểm, điều kiện hoàn trả để kiểm soát rủi ro.
Về các nội dung khác, cơ quan thẩm tra đề nghị không mở rộng đối tượng được hưởng nhà ở xã hội đối với “chuyên gia”, nhằm giữ đúng định hướng chính sách ưu tiên người thu nhập thấp. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu cho phép cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức, đặc biệt tại các địa phương mới sáp nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công vụ.
Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự thảo đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc ngày 5/5 tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt cần đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các chính sách đặc thù.