Thông điệp về ba 'không thể để' trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một', trong đó, người đứng đầu Đảng ta gửi gắm thông điệp về ba 'không thể để': 'Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử'.

Thông điệp ba “không thể để” của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tầm nhìn chiến lược, cách tiếp cận, tư duy toàn diện, khoa học, quyết tâm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua quá trình nghiên cứu, tổng kết lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã rút ra những nhận định mang tính nguyên tắc, định hướng bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Có thể nói, thông điệp quan trọng này có sức hiệu triệu, truyền cảm hứng, tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân không ngừng phấn đấu, nỗ lực, biến mục tiêu thành hiện thực, trở thành mệnh lệnh từ trái tim, khơi gợi tinh thần “tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổng Bí thư Tô Lâm

1. Không thể để đất nước tụt hậu

Đây không phải lần đầu tiên Đảng và người đứng đầu Đảng ta nêu thông điệp “không để đất nước tụt hậu”. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25/1/1994) xác định 4 nguy cơ thách thức lớn là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Đảng ta đã xác định đất nước tụt hậu là một trong bốn nguy cơ, thách thức đe dọa sinh mệnh chính trị của chế độ, sự tồn vong của dân tộc. Điều này đã được kế thừa, phát triển trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc kể từ đó đến nay.

Nhận thức rõ nguy cơ tụt hậu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc “không để” khoảng cách phát triển giữa nước ta với các cường quốc trên thế giới quá xa, bằng mọi phương thức phải từng bước thu hẹp trình độ phát triển, tương quan lực lượng, để Việt Nam tiệm cận, bắt kịp với nhịp điệu của thời đại. Quyết tâm của Tổng Bí thư thể hiện khát vọng to lớn bằng việc hoạch định tương lai và con đường duy nhất là đưa dân tộc Việt Nam phát triển hùng cường, không để tụt hậu. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai.

Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục”. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, việc nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của thời kỳ mới là vô cùng cần thiết, khi chúng ta đoàn kết, vững vàng, bản lĩnh và với trí tuệ, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thì không thế lực nào có thể ngăn cản được con đường phát triển của đất nước ta.

Ðiều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng trong việc xác định mục tiêu phát triển đất nước. Tầm nhìn chiến lược đó gắn với các mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Thời gian qua, các bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo về nguy cơ tụt hậu xuất hiện nhiều trên các mặt báo, trong đó “người khởi xướng kỷ nguyên mới của dân tộc” đã đưa ra nhiều dẫn chứng từ trải nghiệm thực tiễn (như cuộc trò chuyện với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - được đồng chí Tổng Bí thư nêu trong buổi thảo luận tổ đại biểu Quốc hội) và nghiên cứu, tổng kết lý luận, thể hiện những trăn trở về vấn đề này.

“Không để đất nước tụt hậu” ở đây không chỉ mạnh về kinh tế mà là trên tất cả các lĩnh vực, từ khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh cho đến những thành tựu bảo đảm quyền con người, xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện, càng trong khó khăn sẽ càng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm vóc của con người Việt Nam, góp phần tích cực thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu”.

2. Không thể để dân tộc đánh mất cơ hội

Thông điệp “không để đất nước tụt hậu” và “không để dân tộc đánh mất cơ hội” của Tổng Bí thư Tô Lâm là hai vế độc lập nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết, biện chứng, tác động qua lại với nhau. Sự tụt hậu của đất nước vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của việc bỏ lỡ những cơ hội mà lịch sử trao cho dân tộc ta.

Mỗi thời kỳ lịch sử đều có những thời cơ quý báu, nhưng thời cơ không phải là bất biến mà chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, đôi khi chỉ là khoảnh khắc. Trong lịch sử, Đảng ta đã chớp thời cơ để phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Bằng nghệ thuật chớp thời cơ ấy, từ thân phận nô lệ, nước ta đã trở thành một quốc gia độc lập, đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự chủ, thống nhất đã thành sự thật.

Kế thừa và phát huy nghệ thuật chớp thời cơ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã tranh thủ mọi điều kiện, huy động sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế để bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, viết nên những trang sử chói lọi nhất, những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Vận dụng trong tình hình hiện nay, nước ta đang đứng trước thời cơ “đi tắt đón đầu”, “đi sau về trước”, tạo sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới, xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá kế tiếp. Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tư thế tự tin và bản lĩnh. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam có nhiều thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng chưa bao giờ uy tín, vị thế của dân tộc có được như bây giờ.

Tuy nhiên, thời cơ không chờ đợi bất cứ quốc gia - dân tộc nào. Trong bối cảnh hiện nay, một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước, nhất là nguồn lực hữu hạn như nguồn lao động dồi dào (Việt Nam đang trong “dân số vàng”, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2036), tài nguyên thiên nhiên (một số khoáng sản đang cạn kiệt do sức khai thác lớn)… Theo các chuyên gia, nếu không tăng tốc, bứt phá trong thời điểm này thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới, bỏ lỡ những cơ hội để bắt kịp với nhịp độ phát triển của nhân loại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ “chưa giàu đã già”.

Thông qua thông điệp “ba không để” của Tổng Bí thư Tô Lâm, ta hiểu hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong thời gian vừa qua. Để tránh nguy cơ tụt hậu, tận dụng thời cơ, tranh thủ tối đa nguồn lực, Đảng ta đã đề ra bảy định hướng lớn đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, gồm cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phát triển kinh tế. Trên cơ sở các định hướng lớn này, Nghị quyết 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã ra đời, đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng trong việc tìm hướng phát triển cho đất nước.

Bên cạnh đó, hàng loạt chủ trương chưa tiền có tiền lệ trong lịch sử được thông qua, hiện thực hóa như tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, xác lập chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập tỉnh, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao (tối thiểu 8% trong năm 2025, đặt tiền đề phát triển hai con số trong các năm tiếp theo), giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, nhất là các công trình quy mô lớn, mang tầm quốc tế…

3. Không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử

Trải qua những đau thương, mất mát, hy sinh mà cả dân tộc gánh chịu, chúng ta càng thấm thía bài học kinh nghiệm to lớn. Đó là trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng cần lựa chọn cách ứng xử bình tĩnh, linh hoạt, khôn khéo, chủ động, phù hợp, biết cách cân bằng giữa các nước lớn, không để bị động, bất ngờ chiến lược, tránh để nước ta “rơi vào vòng xoáy lịch sử”, trở thành trung tâm cạnh tranh giữa các nước lớn, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của đất nước và của toàn thể dân tộc.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết đoán, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để từng bước vượt qua thử thách. Trong khi một trật tự thế giới hoàn chỉnh đang hình thành theo hướng đa cực, nhiều trung tâm, các nước lớn tăng cường cạnh tranh chiến lược, tầm ảnh hưởng khiến các nước nhỏ, trung bình chọn bên, chọn phe.

Mặc dù hợp tác, phát triển là xu thế chung của thời đại, song chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, quan điểm chống toàn cầu hóa đang nổi lên và ngày càng chiếm ưu thế ở một số quốc gia. Các tranh chấp, xung đột ngày càng có chiều hướng phức tạp do có sự đan xen lợi ích của nhiều bên, các nước đều quyết liệt bảo vệ lợi ích của mình, cản trở quá trình đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, bối cảnh đương thời có nét tương đồng với tình hình quốc tế hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quan hệ quốc tế đang ở giai đoạn giao thời, một trật tự thế giới cũ vừa sụp đổ, trật tự thế giới mới chưa hình thành một cách hoàn chỉnh, rõ rệt, tác động đến cách ứng xử của các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam kiên quyết, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.

Chúng ta quyết tâm đứng về phía chính nghĩa, chọn công lý, lẽ phải chứ không chọn bên, không theo bên này để chống bên kia. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta tiếp tục quán triệt, triển khai đường lối “ngoại giao cây tre” với “gốc vững”, “cành uyển chuyển”, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và phát triển trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong cộng đồng quốc tế, phát huy vai trò của ngoại giao như một phương thức kiến tạo hòa bình, “phương thuốc quý” để chữa lành vết thương, tranh chấp, xung đột quốc tế, gắn kết, tạo dựng niềm tin chiến lược giữa các quốc gia - dân tộc, tìm tiếng nói chung trong cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống…

Không những vậy, để không rơi vào vòng xoáy lịch sử, ngoài việc tham gia tích cực sân chơi quốc tế, Việt Nam từng bước chung tay, góp sức định hình trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng vai trò chủ chốt, thiết yếu trong ASEAN và các tổ chức, diễn đàn quốc tế.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm không dùng từ “cần”, “nên”, “nghiên cứu theo hướng” mà sử dụng từ “không thể để”. Qua ba điều “không thể để” nói trên, người đứng đầu Đảng ta thay lời toàn dân tộc khẳng định một điều “có thể”, đó là vươn mình ra biển lớn, đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Mỗi lần các bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân trong và ngoài nước đều quan tâm theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu, đó không chỉ là sự lắng nghe các chuyển động thời sự mà còn phản ánh niềm tin tuyệt đối, son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện trách nhiệm của công dân cùng chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc.

Lê Quang Mạnh - Nguyễn Đức Mạnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/thong-diep-ve-ba-khong-the-de-trong-bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-i766911/
Zalo