Thông điệp truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ có khát vọng, lý tưởng trở thành nhà khoa học

Chiều 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ long

Tạo động lực cho sự phát triển cho đất nước trong kỷ nguyên mới

Đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu rõ, dự thảo Luật đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thể chế phát triển đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là chìa khóa để khơi thông, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển cho đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều chính sách, quy định đột phá, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, huy động và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ chế ưu đãi đối với sử dụng sản phẩm và thụ hưởng thành quả của quá trình này.

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam), ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thì dự thảo Luật cần chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững, bảo đảm Luật cũng chính là thông điệp truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có khát vọng, lý tưởng và đam mê trở thành nhà khoa học để xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ưu tiên các hoạt động xanh tuần hoàn và bảo vệ môi trường; xem xét bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đồng tài trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ…

Cần cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài cụ thể và hiệu quả

Về phát triển nguồn nhân lực, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, vấn đề đào tạo, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Do đó, cần có những chính sách cụ thể hơn và hiệu quả hơn nữa để thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, đặc biệt là lực lượng đang công tác tại các tổ chức khoa học và công nghệ.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, tập trung phần lớn nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao của cả nước như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chuyên gia nước ngoài, tăng cường hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhân tài công nghệ, công nghệ số… để góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nhân lực chất lượng cao.

Mặt khác, theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), dự thảo Luật còn thiếu bao quát trong thiết kế các tiêu chí xác định nhân tài. Các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng, khởi nghiệp... phù hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ, nhưng chưa phản ánh đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, bổ sung tiêu chí đặc thù cho từng nhóm ngành, với khoa học xã hội và nhân văn có thể là có công trình nghiên cứu được áp dụng trong xây dựng chính sách, giáo dục hoặc có công trình nghiên cứu được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước. Bảo đảm công bằng, minh bạch và tôn vinh đúng những người có đóng góp học thuật và chính sách trong cả ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, và khoa học xã hội - nhân văn…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến ĐBQH đã tập trung phát biểu về sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tên dự án Luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dựng; các tiêu chí, nguyên tắc, chính sách cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu và hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thong-diep-truyen-cam-hung-cho-the-he-tre-co-khat-vong-ly-tuong-tro-thanh-nha-khoa-hoc-10372296.html
Zalo