Thời trang xanh đối diện với khó khăn từ 1 loại vật liệu
Vật liệu này khiến việc thực thi thời trang xanh trở nên phức tạp hơn.
Vải polyester (vải tổng hợp) là một trong những thách thức lớn nhất trong ngành dệt may. Nó không phân hủy và mặc dù có mặt trong gần 60% quần áo nhưng chỉ 1% chất thải dệt may được tái chế thành quần áo mới trên toàn thế giới.
Chỉ 1% quần áo được tái chế thành quần áo mới
Polyester được phát minh với mục tiêu tạo ra một loại vải bền và chịu lực để giữ được màu sắc và hình dạng không bị nhăn. Gần 85 năm sau, polyester có mặt ở khắp mọi nơi.
Theo Tổ chức Textile Exchange, polyester là loại vải phổ biến nhất của ngành công nghiệp quần áo. Khoảng 49% quần áo chứa loại vải tổng hợp này.
Thật không may, polyester không phân hủy sinh học. Chỉ 1% quần áo được tái chế thành quần áo mới, nghĩa là khoảng 92 triệu tấn vải dệt bị lãng phí mỗi năm.
Con số đó dự kiến sẽ vượt quá 134 triệu tấn vải vào cuối thập kỷ này, theo báo cáo năm 2024 từ Waste and Resources Action Programme.
Công ty IBM (Mỹ) và Công ty Technip Energies (Pháp) đã hợp tác để giúp giải quyết vấn đề này. Giải pháp này gọi là Reju, bằng cách phân hủy polyester xuống cấp độ phân tử và tái chế vô hạn.
Quy trình này sử dụng hỗn hợp ethylene glycol và nhiệt để hòa tan PET (polyethylene terephthalate) thành các phân tử. Các phân tử sau đó có thể được sắp xếp lại với nhau, với mục đích tạo ra polyester mới.
Thời trang xanh lên ngôi
Khi nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững ngày càng tăng, thời trang xanh ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu này.
Thời trang xanh, hay còn gọi là thời trang bền vững, là một xu hướng thời trang mới nổi, tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường và xã hội.
Điều này bao gồm việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.

Tiến sĩ Carol Tan, Đại học RMIT chia sẻ 6 đề xuất chính để các doanh nghiệp thời trang giảm thiểu tác động đến môi trường một cách hiệu quả.
Giảm sản xuất thừa: Các doanh nghiệp thời trang cần giảm việc sản xuất quá mức vì những mặt hàng không bán được thường bị vứt bỏ vào bãi chôn lấp. Các thương hiệu có thể dựa vào dữ liệu để dự đoán nhu cầu tốt hơn. Tốt nhất là họ nên áp dụng mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng, theo đó sản phẩm chỉ được sản xuất khi có khách hàng đặt hàng.
Cải thiện nguồn cung ứng nguyên liệu: Họ nên cải thiện nguồn nguyên liệu và chuyển sang các nguyên liệu bền vững hơn, chẳng hạn như sợi từ thực vật và cellulose tái tạo. Họ cũng cần đảm bảo rằng nguyên liệu của họ có nguồn gốc đạo đức, với mức lương và điều kiện làm việc công bằng cho người lao động.
Áp dụng thông lệ kinh doanh tuần hoàn: Tất cả các doanh nghiệp thời trang nên cố gắng áp dụng các thông lệ kinh doanh tuần hoàn, bao gồm thiết kế các sản phẩm có tuổi thọ cao và thiết lập các hệ thống để sửa chữa, bán lại và tái chế mặt hàng thời trang.
Tăng cường minh bạch hóa: Các thương hiệu thời trang cần minh bạch hơn về chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất của mình, cho phép người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Có thể có nhiều lợi ích to lớn từ việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm ra những cách sản xuất quần áo mới và bền vững hơn. Chẳng hạn, nghiên cứu các kỹ thuật tạo màu mới tiêu thụ ít nước hơn hoặc ít tác động hơn đến môi trường.
Giáo dục người tiêu dùng: Cuối cùng, các doanh nghiệp thời trang cần giáo dục người tiêu dùng về tác động môi trường khi mua hàng và cách chăm sóc quần áo để kéo dài tuổi thọ sản phẩm và giảm dấu chân carbon.