5 năm xe điện Việt Nam: Từ bài toán kinh tế đến xu hướng tất yếu

Trong những năm gần đây, xe điện tại Việt Nam đã có bước chuyển mình ấn tượng, từ một giải pháp thiên về kinh tế trở thành xu hướng tất yếu, kiến tạo nên một tương lai giao thông xanh và hiện đại cho đất nước.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến cuộc chuyển đổi ngoạn mục từ xe xăng sang xe điện, khởi đầu từ nhóm tài xế công nghệ và người tiêu dùng cá nhân. Lực đẩy cốt lõi đằng sau xu hướng này chính là hiệu quả về mặt chi phí.

Xu hướng dịch chuyển sang xe điện vì lợi ích kinh tế

Anh Nguyễn Minh, tài xế công nghệ chạy xe hai bánh tại TP.HCM, chia sẻ rằng trước đây, anh phải chi khoảng 70.000 đồng mỗi ngày cho quãng đường 150 km. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang xe điện, anh chỉ tốn dưới 20.000 đồng cho hai lần sạc, tiết kiệm hơn 50.000 đồng mỗi ngày.

"Nếu chạy đủ 26-27 ngày trong tháng, số tiền tiết kiệm có thể lên đến 1,3 triệu đồng, chưa kể chi phí thay nhớt xe xăng 100.000 đồng mỗi hai tháng mà xe điện không cần"- anh Minh cho biết.

 Sự dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện ngày càng gia tăng nhờ tiết kiệm chi phí.

Sự dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện ngày càng gia tăng nhờ tiết kiệm chi phí.

Dù xe điện giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, nhưng cũng có một số chi phí phát sinh, đặc biệt là pin. Nếu thuê pin, tài xế sẽ phải trả từ 350.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng. Còn nếu mua pin, họ sẽ phải tính đến khấu hao khoảng 300.000 đồng/tháng trong vòng 5 năm. Ngoài ra, chi phí thời gian chờ sạc hoặc di chuyển đến trạm sạc có thể lên đến 10.000 đồng/ngày, tức khoảng 270.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi tính toán tổng thể, xe điện vẫn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Một tài xế công nghệ trung bình có thể tiết kiệm khoảng 680.000 đồng mỗi tháng so với việc sử dụng xe xăng. Đối với nhóm tài xế có tần suất di chuyển cao, như các tài xế xe công nghệ, khoản tiết kiệm này là đáng kể và giúp gia tăng thu nhập ròng.

Không chỉ tài xế công nghệ, người tiêu dùng cá nhân cũng bắt đầu quan tâm đến xe điện vì các lợi ích kinh tế mà nó mang lại, như tiết kiệm chi phí vận hành và các chính sách ưu đãi từ nhà sản xuất. Các hãng xe lớn như VinFast cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ, như giảm giá pin, chương trình đổi xe cũ lấy xe điện với hỗ trợ tài chính, giúp nhiều người mạnh dạn từ bỏ xe xăng.

 Thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: QH

Thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, xe điện không chỉ giúp các doanh nghiệp vận tải tối ưu hóa chi phí mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ. Ông Lê Thái Khắc Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty Ecogo, tính toán rằng chi phí năng lượng cho 100.000 km di chuyển của mẫu VF e34 chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí của xe xăng Honda City. Theo ông Thành, công ty đã tiết kiệm được khoảng 2,5 tỉ đồng chi phí nhiên liệu trong vòng 5 năm.

Ngoài ra, xe điện còn giúp giảm thiểu chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Ông Thành cho biết, xe điện có ít bộ phận cần bảo dưỡng hơn xe xăng, không cần thay dầu động cơ, bộ lọc dầu, lọc gió, bugi… Hơn nữa, do không có động cơ đốt trong, xe điện ít xảy ra sự cố như hỏng hóc động cơ hay hộp số. Nhờ đó, xe điện có độ bền cao và chi phí sửa chữa thấp hơn nhiều so với xe xăng. Theo ông Thành, công ty sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 tỉ đồng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa trong vòng 5 năm.

 Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2025, tỉ lệ xe máy điện có thể đạt 20% tổng lượng xe hai bánh tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2025, tỉ lệ xe máy điện có thể đạt 20% tổng lượng xe hai bánh tại Việt Nam.

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cho thấy rằng trong năm 2024, đã có gần 90.000 ô tô thuần điện được bán ra thị trường, gấp 2,5 lần so với năm 2023 và gấp khoảng hơn 11,2 lần so với năm 2022. Trong số gần 90.000 chiếc xe điện này, có tới khoảng 87.000 chiếc xe của nhà sản xuất VinFast, chiếm trên 95%.

Tổng cộng, việc sử dụng xe điện giúp công ty tiết kiệm khoảng 4 tỉ đồng trong vòng 5 năm, góp phần giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại lợi nhuận cao hơn.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam cho thấy thị trường xe điện hai bánh đang tăng trưởng vượt bậc. Nếu vào năm 2020, tỷ lệ xe máy điện chỉ chiếm khoảng 3-5%, thì dự báo đến năm 2025, con số này có thể đạt 20% tổng lượng xe hai bánh. Đây là một bước tiến lớn trong chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông của Việt Nam.

Việc chuyển đổi sang xe điện Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp ô tô, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí vận hành, bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp xanh.

Xu hướng tất yếu

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nếu xe điện Việt Nam được phát triển mạnh, có thể cắt giảm tới 12 triệu tấn CO₂ vào năm 2040 và 28 triệu tấn vào năm 2050. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Ngân hàng Thế giới nhận định, quá trình này không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo ra 6,5 triệu việc làm đến năm 2050, trong đó 61% thuộc lĩnh vực hạ tầng sạc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào trạm sạc, phát triển công nghệ pin và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

 WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc lắp đặt trạm sạc nhanh tại các đô thị lớn. Ảnh: Thy Nhung

WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc lắp đặt trạm sạc nhanh tại các đô thị lớn. Ảnh: Thy Nhung

Ông Lê Thanh Hải, chuyên gia từ Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, đánh giá xe điện Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình điện khí hóa giao thông. Nhưng để đẩy nhanh tốc độ, theo ông Hải, cần mở rộng mạng lưới trạm sạc công cộng, khuyến khích sản xuất pin trong nước và có chính sách hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% phương tiện nội đô sẽ chạy điện, trong đó 100% xe buýt mới phải là xe điện. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xe điện Việt Nam, nhưng rào cản cũng không ít. Hiện trạm sạc công cộng còn hạn chế, gây khó khăn cho người dùng. WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc lắp đặt trạm sạc nhanh tại các đô thị lớn, đồng thời nâng cấp hạ tầng điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Giá xe điện vẫn là bài toán lớn do chi phí pin chiếm 30-40% giá thành. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia lĩnh vực ô tô, đề xuất cần có chính sách trợ giá hoặc miễn giảm thuế để hỗ trợ người mua, đặc biệt là tài xế công nghệ.

Doanh số bán xe điện Việt Nam sẽ tăng lên 1,5 triệu xe vào năm 2030

Theo thống kê của bộ phận nghiên cứu Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu về tỷ lệ hấp thụ xe điện, doanh số bán của Việt Nam cần tăng từ 500.000 xe trong năm 2022 lên khoảng 1,5 triệu xe vào năm 2030, và 7,3 triệu xe vào năm 2050. Cộng dồn lại, số liệu trên cho thấy nhu cầu thị trường về xe điện các loại lên đến trên 7 triệu xe trong giai đoạn 2024 - 2030, và 71 triệu xe trong giai đoạn 2031-2050.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-nam-xe-dien-viet-nam-tu-bai-toan-kinh-te-den-xu-huong-tat-yeu-post841911.html
Zalo