Thôi thúc cống hiến từ 'mệnh lệnh trái tim'
Những ngày cuối năm, trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 của căn nhà cũ bên hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội, Thượng tá, NSƯT Út Lan tất bật với đủ mọi công việc sự vụ. Nữ Giám đốc của Nhà hát Ca múa nhạc CAND cho biết, chị vừa kết thúc chuyến công tác nhiều ngày. Công việc cuối năm bộn bề. Từ chỉ huy đến nghệ sĩ đều phải bắt tay vào các công việc ngay khi về đến Hà Nội, không than thở.
Thượng tá, NSƯT Út Lan nói, chị đã quen với nếp công việc này của Nhà hát từ nhiều năm nay. Cán bộ, công nhân viên trong đơn vị cũng thế. Mặc dù là nghệ sĩ nhưng vì hoạt động nghệ thuật trong lực lượng CAND nên tất cả cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã quen với những mệnh lệnh đột xuất, có thông báo là sẵn sàng lên đường đi phục vụ. Có khi đó là những buổi biểu diễn phục vụ nửa ngày, nhưng cũng có khi là chuyến đi dài cả tuần đến chục ngày, đến những vùng sâu, vùng xa, từ biên giới đến hải đảo trên cả nước.
Thực tế, các nghệ sĩ trong CAND, trong đó có nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc CAND đều tuyển từ ngành ngoài. Lực lượng CAND chưa có trường chuyên đào tạo văn hóa nghệ thuật như lực lượng Quân đội nhân dân. Vì vậy, khi về đơn vị, rất nhiều thứ, nghệ sĩ phải học từ đầu. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng không là ngoại lệ. Tốt nghiệp Trung cấp nghệ thuật múa Việt Nam, nữ nghệ sĩ về đầu quân ngay cho Đoàn Nghệ thuật CAND (tiền thân của Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND hiện nay).
Được sự dìu dắt, giúp đỡ của các cô chú, anh chị trong Đoàn, nữ diễn viên múa Út Lan nhanh chóng hòa nhập trong môi trường mới, vào biên chế chính thức chỉ sau khoảng 1 năm. Tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, với các nghệ sĩ trẻ Đoàn Nghệ thuật CAND ngày ấy, được đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, phục vụ nhân dân không chỉ đơn thuần là hoạt động nghệ thuật mà còn là phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nghệ sĩ trong CAND cũng không chỉ rực rỡ phấn son, váy áo, lộng lẫy trên sân khấu như quan niệm thông thường của số đông công chúng. Cơ hội biểu diễn của các nghệ sĩ CAND trên các sân khấu lớn không nhiều. Trong khi đó, những sân khấu nhỏ, thậm chí là những sân khấu dựng tạm trên các bãi đất trống, nhà văn hóa của thôn, làng, xã vùng sâu, vùng xa là những điểm biểu diễn thường xuyên của những nghệ sĩ mặc áo lính. Các chuyến lưu diễn, nghệ sĩ kiêm luôn cả công việc của nhân viên hậu đài, chia nhau làm mọi việc, từ mang vác đồ đạc cho đến dọn dẹp điểm biểu diễn, dựng sân khấu…
Thượng tá, NSƯT Út Lan cho biết, do yêu cầu nhiệm vụ, có những chuyến công tác, địa điểm biểu diễn của các nghệ sĩ trong đơn vị là những “điểm nóng” về an ninh trật tự. Có lẽ, không nhiều khán giả biết, ngay trong thời điểm Tây Nguyên còn bị ám ảnh bởi tổ chức phản động Fulro và Mường Nhé, Điện Biên vẫn chưa hết phức tạp về an ninh trật tự, các nghệ sĩ trong lực lượng CAND đã có mặt tại đây để biểu diễn phục vụ đồng bào. Nhớ lại những chuyến đi đặc biệt này, Thượng tá, NSƯT Út Lan chia sẻ rằng, chị và các nghệ sĩ từng rất lo lắng. Nhưng sự bảo vệ, động viên của các đồng chí, đồng đội; tấm lòng, tình cảm, sự yêu mến của bà con dân bản đã giúp các nghệ sĩ thêm vững tâm.
Có những lần biểu diễn buổi tối, đồng bào tập trung đến từ chiều. Có khi sân khấu dựng xong, chỉ huy đã yêu cầu nghệ sĩ biểu diễn sớm trước vài tiếng đồng hồ nhằm kịp thời phục vụ bà con. Sự đón nhận, cổ vũ nồng nhiệt của người dân địa phương trong các buổi biểu diễn và tình cảm, sự tin yêu của nhân dân dành cho lực lượng CAND là những món quà quý giá nhất của người nghệ sĩ - chiến sĩ CAND. Đây cũng là một trong những động lực, giúp chị và đồng đội thêm tự hào về “màu cờ sắc áo”, tin tưởng hơn khi mang những thành quả lao động nghệ thuật của mình đến phục vụ nhân dân, đến được với những người đang cần mình nhất.
Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác văn hóa, văn nghệ trong CAND, trong đó có ca múa nhạc trong CAND, những năm gần đây, công chúng yêu thích ca múa nhạc và cả người hoạt động trong giới nghệ thuật chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nghệ sĩ CAND trong các chương trình nghệ thuật quy mô lớn. Nhà hát CAND cũng tách thành Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Thượng tá, NSƯT Út Lan trở thành giám đốc đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Nữ nghệ sĩ cho biết, việc thành lập Nhà hát Ca múa nhạc CAND đã tạo điều kiện rất nhiều cho các nghệ sĩ, nhất và các hoạt động mang tính chất chuyên môn cao hơn.
Ngoài các chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bộ Công an và các đơn vị, công an địa phương, nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc CAND được tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp lớn, biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng và các nghệ sĩ biểu diễn của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước. Trong đó có chương trình “Hòa nhạc chào xuân” thường niên của Bộ Công an, nhiều chương trình biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm, các sự kiện lớn của Bộ Công an…
Năm 2024, Nhà hát CAND tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2. Liên hoan là sân chơi lớn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút đến gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 23 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước. Chương trình nghệ thuật “Mệnh lệnh từ trái tim” của Nhà hát Ca múa nhạc CAND được đánh giá cao bởi giới chuyên môn, bạn nghề. Nhà hát cũng là đơn vị đầu tiên được gọi tên trong số các đơn vị đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn tại Liên hoan.
Thượng tá NSƯT Trần Thị Út Lan được trao giải Tổng đạo diễn xuất sắc. Rất nhiều thành tích khác cho tập thể, cá nhân nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng đã được Ban tổ chức ghi nhận: Nhạc trưởng xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho Đại úy Phạm Hoàng Huy; Dàn nhạc xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Dàn nhạc Nhà hát Ca múa nhạc CAND; Đoàn Múa xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam dành cho Đoàn Múa Nhà hát Ca múa nhạc CAND; Huy chương Vàng cho tiết mục thơ múa “Hàng Dương Trắng”; Huy chương Vàng cho ca khúc “Sao trên mũ - Bản làng trong tim”; Huy chương Vàng cho ca khúc “Chiến sĩ Công an giữ trọn lời thề” và 3 Huy chương Bạc cho tiết mục “Người chiến sĩ thầm lặng”, múa “Sao trên mũ”; hòa tấu “Ra trận”.
Chia sẻ về dấu ấn đặc biệt này, Thượng tá, NSƯT Út Lan cho hay, “Mệnh lệnh trái tim” có hơn 100 nghệ sĩ trực tiếp tham gia. Có đến 12 tiết mục trong chương trình là những sáng tác mới, do các nghệ sĩ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực ca, múa, nhạc sáng tác. Cùng với sự mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật và bám sát chủ đề, tư tưởng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, chương trình phát huy được thực lực của các nghệ sĩ trong đơn vị, kể cả chỉ huy dàn nhạc, các nhạc công và nghệ sĩ múa, các giọng ca nổi bật của Nhà hát. Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực, tài năng của từng nghệ sĩ, Nhà hát phải có sự ủng hộ rất lớn cả về vật chất và tinh thần từ lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị.
Được biết, sau nhiều năm tháng trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, vì tuổi nghề của nghệ sĩ múa không nhiều, nghệ sĩ Út Lan đầu tư học thêm chuyên ngành biên đạo, sau đó tổng đạo diễn thành công nhiều chương trình của Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Những cống hiến của nữ nghệ sĩ đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, Huy chương tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật, trong đó, sự ghi nhận cao nhất là danh hiệu NSƯT. Những ngày này, nữ nghệ sĩ vẫn cùng các nghệ sĩ CAND tất bật cho rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc của Nhà hát Ca múa nhạc CAND cho biết, riêng năm 2024, khoảng 100 chương trình đã được các nghệ sĩ của Nhà hát thực hiện. Với chị và các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc CAND, mỗi chương trình, nhiệm vụ đã, đang và sẽ thực hiện luôn xuất phát từ mệnh lệnh, nhưng là mệnh lệnh từ trái tim, mệnh lệnh từ chính tình yêu, niềm tin, sự tự hào của người nghệ sĩ - chiến sĩ CAND.