Tết Thái Nguyên sau chín năm kháng chiến

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954 tại Giơ - ne - vơ (Thụy Sỹ) Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Pháp công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương. Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 1955 là Tết đầu tiên ở Thái Nguyên sau chín năm kháng chiến thắng lợi.

Người dân TP. Thái Nguyên đón chào Xuân mới.

Người dân TP. Thái Nguyên đón chào Xuân mới.

Trong ký ức của lớp người cao tuổi sinh sống tại Thái Nguyên, Tết Nguyên đán năm 1955 không chỉ thật thiêng liêng, mà còn thấm đẫm tình người, tình đời. Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, thủ đô kháng chiến của cả nước, là nơi các cơ quan đầu não của Trung ương, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, Quân đội ở và làm việc; là nơi ra đời và đứng chân của nhiều sư đoàn quân đội, nơi đồng bào trong vùng địch tạm chiếm lên tản cư, làm ăn sinh sống và tham gia kháng chiến. Thị xã Thái Nguyên và nhiều làng mạc, đường xá thực hiện tiêu thổ kháng chiến.

Trong cuộc tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông 1947 của quân đội Pháp, quân và dân Thái Nguyên đã chiến đấu kiên cường, làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sau Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, các cơ quan Trung ương trở về Thủ đô Hà Nội. Các đơn vị quân đội chủ lực rút về xuôi. Đồng bào tản cư trở về quê cũ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Theo các nguồn sử liệu, mặc dù thất bại phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam theo hiệp định Giơ - ne - vơ, nhưng thực dân Pháp vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, thôn tính và đô hộ nước ta. Trước khi rút đi chúng ra sức phá hoại các cơ sở công nghiệp, tuyên truyền lừa gạt đồng bào di cư vào Nam, cài cắm lực lượng chống phá.

Tại Thái Nguyên, chúng cho những tên tay sai phản động đến tuyên truyền, mê hoặc, thúc ép giáo dân di cư. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn hết sức phức tạp.

Từ nửa cuối năm 1954, nhiều cơ quan của tỉnh và người dân từ nơi tản cư trở về thị xã Thái Nguyên. Cùng với việc bố trí lực lượng giúp dân nhanh chóng dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, xây dựng và phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng an ninh.

Trong điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn “giặc đói” còn là mối đe dọa thường xuyên trong nhiều gia đình, các cấp chính quyền trong tỉnh phát động “Phong trào thi đua phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm cứu đói”. Tập trung khai hoang mở rộng diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày (ngô, khoai, sắn), huy động mọi nguồn lực phục hồi đập Vạn Giã, đập Thác Huống, sửa chữa kè, cống hệ thống thủy lợi sông Máng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm Ất Mùi bắt đầu từ ngày 24/1/1955 (tức mùng một Tết) cách thời điểm ký kết Hiệp định Giơ- ne- vơ chỉ hơn 6 tháng, khoảng thời gian chưa đủ để Thái Nguyên hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, thị xã Thái Nguyên và các huyện lỵ, làng mạc đã mang sức sống mới.

Người dân từ nơi tản cư về cơ bản đã có nhà ở, lều lán tạm không còn. Nơi làm việc của các cơ quan tương đối ổn định. Một số loại cây lương thực và rau màu ngắn ngày đã cho thu hoạch. Các dãy phố đều là nhà tranh, mái lá, hoặc nhà trình tường nhưng rực rỡ sắc cờ hoa và băng rôn, pa nô khẩu hiệu. Trong ký ức của lớp người cao tuổi thị xã Thái Nguyên năm ấy ngập tràn sắc xuân.

Chợ Bến Tượng và các cửa hàng, cửa hiệu đầy ắp hàng hóa, chủ yếu là hàng nông sản cùng một số mặt hàng thiết yếu do người dân sản xuất mang tới bán như: Gạo, miến, lá dong, chè, bánh, kẹo… Người đi sắm Tết cùng những người đi chơi chợ Tết khá đông khiến các con phố quanh chợ suốt ngày nhộn nhịp. Những năm chiến tranh người dân thị xã đi tản cư ở nhiều vùng rừng núi, về phố đón Tết trong hòa bình, ai cũng muốn mang niềm vui ra phố.

Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế, chính quyền vận động cáchội đoàn và nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi chăm lo cho mọi nhà đều có Tết. Lá dong, gạo nếp được bà con các huyện, xã quyên góp gửi cho đoàn thể phụ nữ gói bánh chưng tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm đó, dù vật chất còn thiếu thốn nhưng những ngày Tết thực sự vui tươi, ấm áp.

Cụ Nguyễn Thị Liên, 100 tuổi, cư dân gốc của thị xã Thái Nguyên, hiện sinh sống tại tổ 1, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Cụ cho biết trong cuộc đời mình được hưởng nhiều cái Tết đặc biệt, trong đó ấn tượng nhất là Tết đầu tiên trong độc lập năm 1946 và Tết khi hòa bình lập lại trên miền Bắc 1955. Trở về từ nơi tản cư khi đó 29 tuổi và đã xây dựng gia đình trong kháng chiến, bố mẹ cụ và hai vợ chồng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Cũng như nhiều cư dân khác của thị xã, gia đình cụ đón Tết cổ truyền của dân tộc tuy giản tiện nhưng vô cùng ấm áp, chân tình cùng bà con xóm phố.

Nói về thành phố Thái Nguyên hôm nay, cụ Nguyễn Thị Liên không giấu nổi sự xúc động: Thành phố thay đổi nhiều quá. Tết hòa bình đầu tiên ấy thiếu đói không còn, nhưng ai cũng tằn tiệm, bởi vừa trải qua suốt chín năm chiến tranh. Giữa bộn về công việc sau giải phóng, các cơ quan đoàn thể từ tỉnh đến xóm phố đều tận tâm chăm lo Tết cho người dân…

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới, nhớ về Tết sau chín năm kháng chiến cũng là cách để chúng ta thêm trân trọng những cống hiến hy sinh và thành quả các thế hệ đi trước, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tích cực đóng góp công sức trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phan Thái

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202502/tet-thai-nguyen-sau-chin-nam-khang-chien-7561acd/
Zalo