Thới Sơn - điểm đến du lịch miệt vườn
Với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên cùng các hoạt động trải nghiệm thú vị, Thới Sơn đã trở thành một biểu tượng du lịch của Tiền Giang nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung. Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự yên bình và hòa mình vào cuộc sống giản dị, mộc mạc của miền sông nước.
![Thưởng thức đờn ca tài tử tại cù lao Thới Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51473471/38756e7e5f30b66eef21.jpg)
Thưởng thức đờn ca tài tử tại cù lao Thới Sơn.
Cù lao Thới Sơn thuộc xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, còn được gọi là cù lao Lân nằm trong nhóm tứ linh: Long, Lân (thuộc tỉnh Tiền Giang) và Quy, Phụng (thuộc tỉnh Bến Tre). Trong 4 cù lao mệnh danh là “tứ linh”, cù lao Lân (Thới Sơn) có diện tích lớn nhất.
Theo các tư liệu lịch sử ghi lại: Thới Sơn là vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Mùa xuân năm 1785, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chiến thắng oanh liệt trận Rạch Gầm - Xoài Mút, phá tan 5 vạn quân Xiêm.
Đến thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cù lao này lại ghi dấu với thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm. Xã Thới Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1978 và Thới Sơn được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của tỉnh từ năm 2000.
Nằm trên dòng sông Tiền thơ mộng, hình thành từ khoảng thế kỷ XVIII, được tạo hóa, thiên nhiên sông nước ưu ái ban tặng, cù lao Thới Sơn được mệnh danh “viên ngọc quý” của vùng đất miệt vườn Tiền Giang.
Bao phủ khắp cù lao là một màu xanh bát ngát, cùng hệ thống mương rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ, cây trái sum sê bốn mùa, trở thành điểm đến du lịch lý tưởng. Từ một làng Thới Sơn hoang sơ năm nào, giờ đây xã Thới Sơn đã vươn mình phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước đây, người dân cù lao Thới Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, cùng với trồng cây ăn trái luân canh, cho nhiều loại trái ngon ngọt như: Nhãn, sa pô, cam, quít, bưởi, sầu riêng, chuối, mít, xoài…
Về sau, người dân trên cồn đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm bánh phồng, bánh tráng, kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ… phục vụ khách du lịch. Đến với cù lao Thới Sơn, du khách sẽ có dịp ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, được cô thôn nữ xinh xắn khua mái chèo điệu nghệ, xuôi theo những con lạch nhỏ ngoằn ngoèo, ngắm nhìn hàng dừa nước mọc san sát nhau hai bên bờ, những hàng thủy liễu xanh tươi nghiêng mình chào đón.
Hay du khách có thể dạo chơi quanh cồn trên chiếc xe đạp hay chiếc xe ngựa, hồi tưởng về chút kỷ niệm xa xưa… rồi tản bộ dọc theo những lối quê, đến thăm vườn cây ăn trái, tham quan làng nghề truyền thống như: Làm kẹo, làm bánh tráng, nuôi ong.
![Du khách đi đò chèo tại cù lao Thới Sơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_454_51473471/150a4901784f9111c85e.jpg)
Du khách đi đò chèo tại cù lao Thới Sơn.
Ông Nguyễn Văn Dũng (người dân đò chèo, ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn) chia sẻ: “Tôi đã chèo xuồng ở đây trên 30 năm, lượng khách đến tham quan du lịch vào mỗi dịp lễ, tết rất đông và nhộn nhịp. Nhờ đó, thu nhập của người dân ở đây cũng ổn định hơn rất nhiều so với trước đây”.
Anh Nguyễn Văn Thanh Sơn, chủ Điểm Trà mật ong Kỳ Lân chia sẻ: “Lượng khách đến du lịch tại Thới Sơn vào những dịp lễ, tết tăng mạnh hơn so với ngày thường; trung bình trong các ngày lễ, địa điểm đón từ 500 - 700 đoàn khách. Để phục vụ cho du khách đến tham quan vào các dịp này, điểm du lịch cũng đã trang trí khuôn viên, tạo nhiều cảnh quan để cho du khách chụp hình. Bên cạnh đó, điểm du lịch cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực và dự trữ nguyên liệu, đồ uống để kịp thời phục vụ du khách”.
Trong hành trình khám phá, du khách ghé những địa điểm du lịch, được tận hưởng không khí trong lành, không gì thú vị hơn được nếm món trà mật ong hoa nhãn và đủ loại trái cây miệt vườn, nhất là khi du khách được thưởng thức những làn điệu đờn ca tài tử ngọt ngào, da diết ngân lên trong không gian sông nước...
Chị Trần Thị Anh Thư (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi đến đây, tôi rất thích không khí trong lành và thoáng mát, người dân ở đây thì thân thiện và nhiệt tình, mến khách. Ở đây, tôi cùng gia đình được đi xuồng, đi xe ngựa và thưởng thức trà mật ong, ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử”.
Du lịch là một trong những thế mạnh của xã, Khu du lịch Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì vậy mà thời gian qua, xã Thới Sơn đã nỗ lực khôi phục và phát triển các cụm, điểm du lịch, chú trọng việc ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch; tiếp tục đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, cống, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển các loại hình mua sắm, ăn uống…
Bà Lê Thị Thúy Liễu, một người dân sinh sống tại xã Thới Sơn cho biết: “Nhờ có cầu Rạch Miễu đã giúp Thới Sơn “thay da đổi thịt” từng ngày, không còn là ốc đảo. So với những năm trước đây, Thới Sơn đã đổi thay rất nhiều, đời sống của người dân cũng khấm khá nhờ làm du lịch, cũng như làm kinh tế nông nghiệp”.
Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, hiện nay đề án phát triển du lịch TP. Mỹ Tho được tỉnh và Trung ương đầu tư, trong đó xã Thới Sơn cũng được ghi một số danh mục để đầu tư trong năm 2025 như cụm hoa, khung giàn hoa trên tuyến đường du lịch, tạo cảnh quan cho du khách chụp ảnh khi tham quan...