Thời điểm vàng 'sưởi ấm' tổng cầu nội địa

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi Hoa Kỷ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia và đang trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.

Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn Phạm Đức Sơn. Ảnh: Hữu Thắng.

Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn Phạm Đức Sơn. Ảnh: Hữu Thắng.

Tận dụng cơ hội cho hàng tiêu dùng nội địa

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 25/4, ông Trần Anh Thắng, Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Eximbank cho biết, biến động của thuế quan toàn cầu sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả, tâm lý chi tiêu. Lo ngại lạm phát quay lại, nhiều người dân sẽ dè chừng chi tiêu, nhất là với các khoản lớn.

“Sự biến động của thuế quan lần này cũng cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt”, ông Trần Anh Thắng cho biết.

Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Theo Eximbank, cùng với sự tăng trưởng của GDP, tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam tăng dần trong các năm. Nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dung năm 2018 gần 4,4 triệu tỷ đồng, con số này đến năm 2024 đạt 6,39 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

“Tỷ trọng tiêu dùng nội địa đang dần đa dạng hơn, nhưng bán lẻ vẫn là trụ cột với gần 80% tổng mức chi tiêu. Từ năm 2018 trở lại đây, tỷ trọng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm trên 50% GDP cả nước. Các con số đó cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng GDP”, ông Trần Anh Thắng nhấn mạnh.

Đề cập về chính sách thuế quan ảnh hưởng lớn thị trường bất động sản, bà Cao Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Taseco Land cho biết, với lĩnh vực bất động sản, tín dụng đóng vai trò rất quan trọng. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, phía Taseco Land đã và đang thực hiện nhiều dự án tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam…

“Các chính sách của ngân hàng khi cho cá nhân vay hiện đã tốt. Một số ngân hàng đặc biệt có chính sách cho vay mua nhà với người trẻ (người dưới 35 tuổi) với nhiều điều kiện tốt như: 5 năm không trả nợ gốc, kỳ hạn kéo dài 40 năm, lãi suất thấp và duy trì trong 4 năm đầu… Chúng tôi kỳ vọng, chính sách này có sự lan tỏa, không chỉ ở bất động sản. Ở phân khúc bất động sản trung cấp, người trẻ sẽ khó tiếp cận nếu không có chính sách hỗ trợ. Bản thân tôi cũng thấy các cán bộ công nhân viên trong chính Taseco Land khi muốn mua nhà cũng tìm hiểu và rất quan tâm các chính sách này ”, bà Cao Thị Lan Hương chia sẻ.

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với 3 phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60 - 65% tùy từng năm.

Thảo luận mở, người điều phối: TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thường trực VAFIE.

Thảo luận mở, người điều phối: TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thường trực VAFIE.

Để đạt tăng trưởng GDP năm nay, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động khi Chính quyền Mỹ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia và đang trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn, xuất khẩu do đó cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với tình hình trong nước và quốc tế, dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Theo đó, với chiến dịch truyền thông Quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa; tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ. Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi sẽ được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.

“Thúc đẩy du lịch nội địa - Phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam”, đại diện Bộ Công thương cho biết.

Bộ Công thương đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, đề xuất các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững.

“Tăng cường kết nối cung - cầu - tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung - cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Về các giải pháp bổ sung để tăng cường tín dụng tiêu dùng, đại diện Eximbank đề xuất: Tái thiết kế quy trình vay tiêu dùng theo hướng số hóa hoàn toàn (KYC điện tử, phê duyệt tự động), rút ngắn thời gian giải ngân từ ngày xuống giờ. Các ngân hàng đang tích cực thúc đẩy số hóa cho vay tiêu dùng, giảm quy trình cho vay.

“Triển khai gói ‘tín dụng tiêu dùng mùa vụ’ như: Cho vay dịp tựu trường, lễ Tết, du lịch hè giúp giãn dòng tiền hợp lý theo chu kỳ chi tiêu thực tế; tăng cường tài chính tiêu dùng có định hướng: phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê để xác định nhóm ngành có sức mua yếu và đưa ra gói hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính tiêu dùng cho nhóm yếu thế: người thu nhập thấp, công nhân, người lao động tự do thông qua các sản phẩm có bảo hiểm rủi ro, bảo lãnh cộng đồng”, ông Trần Anh Thắng đề xuất.

Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, Việt Nam có 100 triệu dân, là thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. "Chúng ta nói nhiều về thị trường trong nước nhưng ít quan tâm đến chính sách thị trường. Ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng, như thế họ mới cố gắng sản xuất tốt hơn nữa. Việt Nam nên thay đổi cách tiếp cận, khuyến khích việc sản xuất cho người Việt Nam sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý", ông Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Chủ tịch Công ty CP Tasco

Giải bài toán lớn từ tiêu thụ, thị trường nằm ở chính sách vĩ mô

Biến cố thuế quan bên cạnh các ảnh hưởng tiêu cực thấy rõ, cũng có những tác động tích cực về sự thay đổi cơ cấu ngành nghề và sự dịch chuyển ngành nghề trong nước. Chúng ta phải tự lực, tự cường và không thể đi gia công mãi. Dù vậy, việc giải quyết bài toán lớn từ tiêu thụ, thị trường thì nằm ở chính sách vĩ mô là chính, doanh nghiệp không tự làm được.

Về đề xuất, chúng tôi cho rằng cần giải quyết vấn đề vướng mắc của lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Chúng ta xác định đầu tư hạ tầng giải quyết các vấn đề quốc gia và là một trong 3 trụ cột hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong nước. Song, đầu tư công không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, mà là PPP.

Bên Tasco có những dư án giúp địa phương phát triển như dự án BOT Vĩnh Lộc giúp địa phương phát triển, hay hợp đồng dự án thu phí không dừng BOT thực sự mang lại nhiều với những thành công không chỉ quy ra tiền. Hiện, tỷ lệ dán thẻ ô tô Việt Nam đứng nhất thế giới, lên đến 98%. Điều này giúp Chính Phủ giải quyết nhiều vấn đề. Đó là giá trị của hợp đồng công tư đưa lại.

Tôi đề xuất cần tập hợp ý kiến, đóng góp của nhiều doanh nghiệp để cố gắng trình Chính phủ giải quyết tồn đọng của PPP để tiếp tục triển khai. Nếu không, mục tiêu đầu tư công, đầu tư hạ tầng sẽ không thành công; cần quy hoạch ngành nghề nào giao cho tư nhân. Sau đó, cần quy hoạch chỉ định doanh nghiệp cho từng ngành nghề, cần tạo ra doanh nghiệp hàng đầu và cần quyết liệt; cần đặt mục tiêu khi xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, ví dụ như sau 10 năm phải trở thành những đơn vị lớn.

Phương-Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thoi-diem-vang-suoi-am-tong-cau-noi-dia-20250425150525486.htm
Zalo