Doanh nghiệp xăng dầu vừa làm vừa quan sát, không đi nhanh quá
Đại diện Petrolimex cho biết đã xin ý kiến Chính phủ về việc tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô. Trước tình hình chuyển dịch năng lượng, Petrolimex đã thành lập ban chỉ đạo hành động Net Zero như lắp điện áp mái, kiểm kê khí nhà kính, hợp tác với tổ chức thế giới... với tinh thần 'vừa làm vừa quan sát'.
Ngày 25/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã PLX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2025.
Theo kế hoạch, năm nay Petrolimex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 248.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.200 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 19% so với kết quả năm ngoái.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc giá dầu thế giới thời gian qua giảm mạnh, nhất là sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của tập đoàn? Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho hay, doanh nghiệp liên tục cập nhật những biến động trên thị trường thế giới.
Ngày 2/4, khi ông Trump công bố thuế đối ứng, giá dầu Brent giảm sâu từ 75 USD/thùng xuống dưới 60 USD/thùng chỉ trong vài ngày. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong quý I năm nay của doanh nghiệp.
Về câu hỏi Petrolimex có kế hoạch chuyển dịch mô hình kinh doanh đa ngành năng lượng không? Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, trong vòng 15 năm tới xăng dầu vẫn là trụ cột chính, tuy nhiên xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra rất mạnh mẽ sau khi 140 nước cam kết Net Zero vào năm 2050.

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex.
Trong bối cảnh đó tập đoàn đã xây dựng kịch bản chuyển từ nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây xu hướng chuyển lại khác. Các tập đoàn lớn trên thế giới có hướng đi rất khác nhau.
Ví dụ như gã khổng lồ BP đã cắt giảm đầu tư năng lượng xanh từ 5 tỷ USD/năm xuống còn 1,5 - 2 tỷ USD và cổ đông yêu cầu tổng giám đốc phải thay đổi. Một số tập đoàn khác cũng cắt giảm đầu tư năng lượng xanh.
Theo ông Năm, sau khi ông Trump lên làm tổng thống yêu cầu tăng sản lượng hóa thạch, giảm cam kết biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi sẽ theo dõi trong bối cảnh đó Việt Nam cam kết thế nào hay vẫn cam kết Net Zero đến 2050. Các doanh nghiệp xăng dầu trong nước cũng vừa làm vừa quan sát, không đi nhanh quá. Vừa qua chúng tôi cũng đã thành lập ban chỉ đạo hành động Net Zero như lắp điện áp mái, kiểm kê khí nhà kính, hợp tác với tổ chức thế giới, và sẽ tùy tình hình để quyết định đi nhanh hay chậm trong quá trình chuyển dịch năng lượng này", ông Thanh chia sẻ.
Về lộ trình thoái vốn của Petrolimex tại các công ty thành viên trong năm 2025, đại diện Petrolimex cho biết đã thực hiện đề án tái cơ cấu trong suốt thời gian qua, và đã tái cấu trúc bộ máy với mục tiêu tinh gọn và hiệu quả hơn.

Lãnh đạo Petrolimex chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông.
Theo đó, ngày 28/3, đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 của Petrolimex đã chính thức thông qua phương án sáp nhập Tổng Công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) vào công ty mẹ với tỷ lệ tán thành đạt 100% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục tiếp theo với cơ quan nhà nước để hoàn tất thủ tục sáp nhập này.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đã thoái vốn công ty Petrolimex Lào theo đề án tái cơ cấu. Ngày 8/4, Petrolimex đã tổ chức đấu giá vốn góp tại Petrolimex Lào nhưng không thành công, và ngày 8/5 tới đây sẽ tổ chức lại.
Đối với mảng xây lắp và dịch vụ, đại diện Petrolimex cho biết, đây là nhóm công ty thuộc diện thoái vốn rất nhiều năm qua. Tuy nhiên năm 2024, điều kiện thị trường tài chính không thuận lợi; quy định Nhà nước chưa rõ ràng; cộng thêm việc định giá cao và thận trọng về nên gặp khó trong thoái vốn.
Về việc tăng vốn công ty mẹ, đại diện Petrolimex cho hay, đã xin ý kiến Chính phủ về việc tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô.
"Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, Bộ Tài chính đã báo cáo lên Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang xem xét do một số vướng mắc về quy định hiện hành về việc tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp Nhà nước", đại diện Petrolimex chia sẻ.