Thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc thực hiện cần tiến hành khẩn trương, chắc chắn trong thời gian tới.

Thực hiện việc sắp xếp tinh gọn các đơn vị hành chính, ngày 1/1/2025, tỉnh Hà Tĩnh đã sáp nhập huyện Lộc Hà về TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, xóa tên huyện Lộc Hà sau 17 năm thành lập. (Trong ảnh: Đường dẫn vào trung tâm hành chính huyện Lộc Hà cũ). Ảnh: Cẩm Kỳ.
Từ kinh nghiệm tinh gọn bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước
Kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm công bố bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” vào đầu tháng 11/2024, chỉ trong thời gian chưa đầy 4 tháng, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rất khẩn trương thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.
Có thể nói, chủ trương của Đảng đã thực sự là một làn gió mới thổi vào công cuộc tinh gọn bộ máy vốn đang trầm lắng. Chủ trương ấy được người đứng đầu Đảng khởi xướng trở lại đã mang đến một tinh thần đồng thuận và quyết liệt cao. Không ai, không tổ chức nào, đơn vị, cơ quan nào đứng ngoài cuộc và rất nhanh chóng đến trước kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV, các ban Đảng, các bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ, các ủy ban thuộc Quốc hội cũng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy. Chính tinh thần ấy của các cơ quan nhà nước đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Nói như người đứng đầu Đảng thì: Điều này cho thấy chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân.
Mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết Trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước. “Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Trên cơ sở thực tiễn thực hiện tốt nguyên tắc “vừa chạy vừa xếp hàng” trong tinh giản bộ máy thời gian qua, Kết luận số 126-KL/TW (Kết luận 126) đã tiến thêm một bước trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy khi giao Đảng ủy Chính phủ “Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.”

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: BBG.
Thu gọn đầu mối hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp trung gian
Theo Kết luận số 126, nếu nghiên cứu và thực hiện thành công, chúng ta sẽ thêm một lần tinh gọn bộ máy, có thể tiết kiệm nguồn chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực tế, sau nhiều lần thực hiện sáp nhập, chia tách, hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố (57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để tạo sự đồng bộ, thống nhất và thông suốt từ trên xuống dưới thì việc sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian là cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh cần làm nhanh và mạnh theo tinh thần cách mạng.
Theo ông Dĩnh, cấp huyện là cấp trung gian, trước kia khả năng quản lý từ cấp tỉnh tới cơ sở còn có những khó khăn hạn chế, từ đường sá, hạ tầng giao thông, phương tiện quản lý điều hành. Nhưng bây giờ đã khác, giao thông đi lại dễ dàng, áp dụng 4.0 nên họp và xử lý công việc đã theo hình thức trực tuyến, nhất là hiện nay năng lực trình độ của cán bộ cũng đã khác. Do đó bỏ cấp trung gian là cấp huyện là hợp lý và phù hợp.
Ông Dĩnh nêu rằng, bỏ cấp huyện có nhiều cái lợi. Thứ nhất, cấp trung gian bao giờ cũng có độ trễ lớn. Nhiều khi còn là lực cản như: Thêm thủ tục, thậm chí không triển khai một cách quyết liệt, triệt để. Chưa kể thêm chi phí hành chính do bộ máy, vì tổ chức bộ máy con người sẽ phát sinh thêm chi phí hành chính. Hiện cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, đây là số rất lớn. Nếu bỏ đi sẽ tạo ra hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhanh hơn vì nếu thông qua cấp trung gian thì sẽ có độ trễ, thủ tục làm lực cản.
Về cấp tỉnh, theo ông Dĩnh việc sáp nhập lại một số đơn vị hành chính cấp tỉnh là cần thiết. Bởi sau năm 1986 chúng ta có 38 tỉnh, nhưng do yếu tố đường sá đi lại khó khăn, đội ngũ cán bộ không đáp ứng, thậm chí có sự mâu thuẫn nhau nên tách tỉnh ra. Trong quá trình tách tỉnh, có nhiều tỉnh phát triển, nhưng hiện cơ hội và tiềm lực để phát triển đã bắt đầu bị hạn chế từ đất đai, nguồn lực. Ông Dĩnh dẫn chứng như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam đã phát triển sau khi được tách tỉnh, nhưng bây giờ dư địa để phát triển bắt đầu gặp khó khăn. Cho nên, cần một đơn vị đủ lớn về diện tích, đất đai, con người - nguồn nhân lực thì mới có điều kiện phát triển trong giai đoạn mới hiện nay.
Khi sáp nhập tỉnh, ông Dĩnh lưu ý cần nghiên cứu để làm sao việc sáp nhập các tỉnh một cách tương đồng. Trong nghiên cứu định hướng cần xác định trong khu vực đó các tỉnh có sự tương đồng để phát huy được lợi thế của nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, yếu tố văn hóa truyền thống. “Ngoài chỉ tiêu ở Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 35 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về vấn đề diện tích và dân số thì đó là 2 chỉ tiêu cơ bản, nhưng yếu tố về truyền thống, văn hóa và nhiều yếu tố khác cũng cần phải tính khi sáp nhập tỉnh để tương đối tương đồng trong khu vực phát triển đó. Nếu “vênh” quá sẽ không được” - ông Dĩnh lưu ý.
GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) phân tích, Hiến pháp đã quy định chính quyền địa phương có 3 cấp chính quyền. Do đó khi bỏ cấp huyện thì phải sửa Hiến pháp. Ông Đường cho rằng, việc này không có gì lớn khi chỉ sửa 1 điều và Quốc hội có thể làm được rất nhanh. Nếu sửa lớn thì phải có quy trình hết sức phức tạp vì Hiến pháp là “đạo luật gốc” của quốc gia, đất nước nên cần quy trình hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu sửa nhỏ 1 - 2 điều thì Quốc hội có thể ra nghị quyết và tiến hành sửa được ngay.
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá, việc bỏ cấp trung gian nằm trong cuộc cách mạng tinh giản bộ máy hiện nay để chúng ta bớt tầng lớp trung gian, làm sao cho việc thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được nhanh chóng kịp thời đến người dân và doanh nghiệp. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh các chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay đòi hỏi chúng ta phải chớp thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển.
“Nếu chúng ta bỏ tầng lớp trung gian cấp huyện sẽ là cơ hội để tiết kiệm chi phí, giảm nguồn lực cho bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới” - ông Phúc nói.

PGS.TS Vũ Văn Phúc.
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Diện tích nhỏ mà có 63 tỉnh, thành phố là quá nhiều
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc là nước có diện tích lớn và dân số đông nhưng rất ít cấp tỉnh. Việc một đất nước có diện tích nhỏ hơn, dân số ít hơn như chúng ta mà đầu mối cấp tỉnh với 63 đầu mối như hiện nay là quá nhiều. Do đó cần nghiên cứu hợp nhất đầu mối một số tỉnh có điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, phương thức phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thì cũng là cơ hội cho phát triển. Và trong phát triển kinh tế - xã hội thì không gian phát triển là điều rất quan trọng. Nếu hợp nhất được một số tỉnh tương đồng với nhau để tạo ra một không gian phát triển tốt hơn, tập trung nguồn lực tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết phải làm.
Chúng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Nếu có chủ trương thì nên tiến hành sáp nhập sớm để Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh sắp tới là Đại hội của cấp tỉnh mới sau khi được hợp nhất. Như vậy sẽ tránh được sự tốn kém trong tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh cũ, sau đó hợp nhất thì lại phải Đại hội cấp tỉnh mới thì sẽ gây ra tốn kém không cần thiết.
PGS.TS Phạm Duy Đức.
PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Sáp nhập cấp tỉnh để tạo sự phát triển mới
Vừa qua chúng ta bàn về sáp nhập, điều chỉnh lại một số quận, huyện, dư luận cho thấy Trung ương cũng đang có chủ trương xem xét, sáp nhập các tỉnh để tạo ra sự phát triển mới trong thời kỳ gắn liền với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, gắn liền với chuyển đổi số, phát triển trong môi trường quốc tế đầy sôi động. Thế giới rung động, Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động rất mạnh, chúng ta phải chuyển mình, phải thích ứng nhanh. Trong quan niệm chung của thời kỳ hiện đại, khả năng thích nghi đánh giá bản lĩnh năng lực của các dân tộc trong quá trình phát triển. Nếu chúng ta không có khả năng thích nghi trước biến đổi của bên ngoài thì sẽ bị suy thoái. Cho nên sự đổi mới của đất nước hiện nay đặt trong bối cảnh phát triển hết sức năng động của tình hình quốc tế, tình hình trong nước và đặc biệt là tác động rất mạnh của khoa học kỹ thuật và công nghệ.