Những 'ngôi nhà' giữa biển - Bài 2
Vượt qua những con sóng chồng chềnh của biển cả, con tàu 561 của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đưa đoàn công tác chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.
Bài 2: Đảo An Bang - “Lá chắn” vòng ngoài ở Trường Sa
Xem bài 1

Một góc đảo An Bang.
Đảo An Bang nằm ở 07°53’48’’ vĩ độ Bắc, 112°55’06’’ kinh độ Đông, cách Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 320 hải lý. Cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam và cách đảo Thuyền Chài 21 hải lý về phía Tây Nam.
Đảo An Bang nằm trên nền bãi san hô ngập nước, cấu trúc của đảo được tạo nên như một cây nấm san hô khổng lồ. Bờ đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng cao 02m. Đây là đảo nhỏ chạy dài theo hướng Bắc Nam. Trong đó, bờ Nam của đảo được bồi thêm một bãi cát dài, từ mép nước bãi cát này đến rìa ngoài bãi san hô ngập nước khoảng 30m. Do cấu trúc san hô của đảo An Bang dựng đứng nên 04 mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Vì thế, đã có nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vào mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo. Từ đó, để đón các đoàn khách từ đất liền, đảo An Bang đã thành lập và huấn luyện thuần thục lực lượng kéo xuồng để xử lý các tình huống sóng gió phức tạp.
Nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, nên đảo An Bang có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên hướng biển; khống chế các loại máy bay quân sự, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia. Bên cạnh, An Bang còn nằm ở gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới. Quanh khu vực đảo có nhiều loài hải sản hiếm, có giá trị cao như: cá ngừ, cá mú, tôm hùm, rùa biển...
Trải qua giai đoạn khó khăn, hiện nay đảo An Bang được đầu tư xây dựng các công trình nhà ở kiên cố, vững chắc. Trên đảo có hệ thống điện năng lượng gió và pin mặt trời, mạng điện thoại... Từ đó, đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiện được bảo đảm khá tốt. Các phân đội chiến đấu được trang bị ti-vi và hệ thống Karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 2.260 đầu sách và trên 26 đầu báo, tạp chí các loại cùng 01 tủ sách pháp luật... Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo kịp thời cập nhật những thông tin, nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đảo An Bang không có giếng nước ngọt, chất đất là cát sạn, san hô nên việc trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang không chùn bước mà luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước ngọt để trồng cây.

Chiến sĩ đảo An Bang tăng gia sản xuất.
Vất vả gian lao là vậy, song vẫn không làm giảm đi tinh thần yêu đảo, yêu biển của cán bộ, chiến sĩ. Đảo đã không phụ công người, trải qua 46 năm với ý chí và nghị lực, đã cải tạo đảo An Bang từ đảo đá san hô trở thành một hòn đảo xanh tươi. Càng gian khó, phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng. Giờ đây dưới các tán cây lớn là những giàn bí trĩu quả và vườn rau xanh tươi tốt. Nếu những năm trước đây, đảo còn phải phụ thuộc vào nguồn rau xanh cung cấp từ đất liền, thì hiện nay đảo đã tự túc hoàn toàn nhu cầu sinh hoạt. Hàng năm, tổng sản lượng tăng gia của đảo đạt gần 188 triệu đồng. Trong đó, rau xanh các loại trên 6.600kg, thịt các loại trên 1.600kg, đậu phụ trên 950kg và giá đỗ gần 1.500kg...
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị trọng tâm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp nước ngọt giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các nước khác bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong lòng dân.
Với những thành tích đạt được, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 1999 - 2001. Tháng 4/2012 đảo được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 2018 đảo có 02 tập thể được tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến” và 05 cá nhân được khen thưởng các loại. Năm 2022, 2023 đảo được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, có 02 tập thể và 08 lượt cá nhân được khen thưởng.
Thiếu tá Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo An Bang cho biết, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn đặt ra những yêu cầu cao và khẩn trương hơn. Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá của Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.