Thời đại mới của ngân hàng số
Số hóa đang định hình lại ngành ngân hàng, khi các nhà băng tăng tốc chuyển đổi để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu vận hành. Chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn chiến lược mà đã trở thành chìa khóa then chốt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh các ngân hàng.
Đẩy mạnh triển khai ngân hàng số
Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Một số ngân hàng số nổi bật có thể kể đến như Digimi của ngân hàng Bản Việt, VCB Digibank của Vietcombank, VPBank NEO của VPBank, OCB OMNI của OCB,…

Tại Việt Nam, các ngân hàng đang thực hiện các chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ để cung cấp các dịch vụ tài chính tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Ảnh minh họa
Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với 4 công nghệ nổi bật bao gồm: công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học (đã phổ biến tại các ngân hàng Việt Nam), và phân tích dữ liệu.
BIDV đi đầu trong ứng dụng công nghệ blockchain phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng blockchain trong xử lý giao dịch tài chính. Đối với ứng dụng AI, BIDV đã ra mắt công nghệ smartbanking sử dụng công nghệ AI, VIB kết hơp công nghệ AI với BigData vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như: Sacombank, HDBank, ACB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, PVComBank… cũng đã và đang tích cực chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Thời gian qua, ứng dụng số của các ngân hàng liên tục được nâng cấp, mang đến loạt tính năng ưu việt như: thanh toán hóa đơn sinh hoạt (điện, nước, Internet), đặt vé máy bay, vé xem phim, gọi taxi, mua sắm trên VnShop, đặt hoa, giao hàng… Đặc biệt, khách hàng có thể chuyển tiền quốc tế và quản lý thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng, giúp rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.
Ngoài ra, dịch vụ tiết kiệm trực tuyến cũng giúp khách hàng tối đa hóa lợi nhuận, đáp ứng mọi nhu cầu tài chính cá nhân.
Không chỉ cải thiện trải nghiệm khách hàng, các ngân hàng còn số hóa nội bộ tối ưu hóa quản trị nhân lực và nâng cao hiệu quả làm việc. Đây là bước đi chiến lược giúp ngân hàng xây dựng nền tảng vận hành áp dụng công nghệ hiện đại, bền vững trong kỷ nguyên số.
Gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy tài chính toàn diện
Dự báo về làn sóng đổi mới ngân hàng Việt Nam, ông Michael Arenata, chuyên gia dịch vụ tài chính ngân hàng, Tập đoàn Amazon Web Services cho rằng, giai đoạn bắt đầu từ năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt cho các ngân hàng Việt Nam với những đổi mới sâu sắc thúc đẩy thành công trong số hóa, tài chính toàn diện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
“Việt Nam cho thấy tiềm năng rất lớn cho sự phát triển của ngân hàng số. Không chỉ là thị trường tiềm năng”- ông Praveen Venu, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass nhận định, Việt Nam còn có lợi thế lớn về dân số trẻ, am hiểu công nghệ và nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính số ngày càng cao.
Kết quả tích cực ghi nhận sự đóng góp lớn từ kênh số, giúp khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất đối với dịch vụ ngân hàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Với các ngân hàng, thông qua ngân hàng số, nhiều ngân hàng gia tăng được lượng lớn khách hàng, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận, giúp ngân hàng có thêm năng lực cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho khách hàng.
“Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5-7 triệu khách hàng mới. Doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường”- Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB Lưu Trung Thái chia sẻ.
Tại ABBank, 88% khách hàng DN nhỏ và vừa đã chuyển sang sử dụng nền tảng mới. Không chỉ MB, ABBank, nhiều ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng khách hàng rất mạnh mẽ như TPBank, VIB, NCB, VPBank…
Quyết định 810/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, hệ thống ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi số là triển khai giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin. Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực số ngành ngân hàng cũng như thúc đẩy tài chính toàn diện.
Quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới. Và sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox. (TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Số liệu từ báo cáo tài chính năm của các ngân hàng thương mại đang niêm yết, năm 2024 ghi nhận bước nhảy vọt về đầu tư công nghệ trong ngành ngân hàng Việt Nam khi tổng chi tiêu cho công nghệ đạt mức 32.437 tỉ đồng, tương đương 14,85% tổng chi phí hoạt động toàn ngành. Đây là tỷ lệ cao nhất trong bốn năm gần đây, đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt trong tư duy chiến lược của các tổ chức tài chính.