21 ngân hàng hợp sức triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc trực tiếp với 21 ngân hàng thương mại (NHTM) để bàn phương án triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nêu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra chiều 6/5.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế triển khai gói tín dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD.

"Đây là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ, hai lĩnh vực nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn", ông Tú nhận định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP)

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP)

Trên cơ sở tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN xác định rõ đây không đơn thuần là chính sách tín dụng mà là công cụ điều hành vĩ mô quan trọng, nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng trọng điểm và công nghệ số. Đây cũng là tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong tương lai gần.

"Ngay trong tháng 4, NHNN đã làm việc trực tiếp với 21 ngân hàng thương mại (NHTM) để bàn phương án triển khai gói tín dụng này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn (Big4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được xác định là lực lượng chủ lực, mỗi ngân hàng đăng ký tham gia với mức 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20.000 tỷ đồng/ngân hàng và 5 ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ tập trung ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hai mũi nhọn là hạ tầng và công nghệ. Đặc biệt, các dự án trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh… sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại. Đồng thời, thời gian ưu đãi lãi suất được kéo dài tối thiểu 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả.

Một điểm đáng chú ý là gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hay vốn vay nước ngoài. Thay vào đó, các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng nguồn lực huy động của mình để cấp tín dụng, trên cơ sở cơ cấu lại vốn vay, kéo dài thời gian cho vay, cũng như đồng tài trợ cho các dự án lớn. Với hình thức này, gói tín dụng không chỉ đảm bảo tính linh hoạt mà còn giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn chỉ ra có hai vấn đề trọng tâm cần làm rõ trước khi giải ngân gói tín dụng 500.000 tỷ đồng rộng rãi.

Thứ nhất, mặc dù nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ là rất lớn, nhưng cần xác định rõ đối tượng cụ thể nào sẽ được ưu tiên vay vốn. Việc phân bổ cần bám sát chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết 57, bảo đảm không dàn trải, tránh trùng lắp, cũng như bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Bởi vì, trên thực tế, trong hàng trăm nghìn dự án, không phải dự án nào cũng phù hợp hoặc cấp thiết để được hỗ trợ.

Thứ hai, vấn đề về cân đối vốn vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng cũng là thách thức không nhỏ.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên bài toán bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống được đặt ra một cách cấp thiết. Vì vậy, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng rà soát, xác định rõ các dự án trọng điểm, các nhóm doanh nghiệp thực sự cần được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này.

Việc cho vay các dự án hạ tầng có thời hạn từ 5 đến 10 năm đòi hỏi phải có sự điều phối linh hoạt, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn hệ thống tín dụng.

Đây chính là lý do NHNN tích cực đề nghị các bộ, ngành sớm có văn bản xác định cụ thể danh mục dự án, ngành nghề và đối tượng ưu tiên, nhằm giúp các ngân hàng yên tâm trong việc triển khai, giảm thiểu rủi ro thanh khoản.

"Trong tháng 5 này, NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các bước chuẩn bị, sớm đưa gói tín dụng đi vào thực tế theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Tú nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. (Ảnh: VGP)

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng thể hiện rõ định hướng điều hành linh hoạt và chủ động của Chính phủ. Việc xác định đúng đối tượng, triển khai đúng thời điểm và phân bổ nguồn vốn hiệu quả sẽ là điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu kép: vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chương trình này với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã có các cuộc họp, làm việc với các chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển cho nền kinh tế.

Do đó, các bộ, ngành liên quan cần phối làm rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa, xác định chính xác các đối tượng, phạm vi, kế hoạch đầu tư rõ ràng, ít nhất là cần có dữ liệu ước tính gần với thực tế, từ đó NHNN cũng như các ngân hàng thương mại mới có thể tính toán cân đối nguồn vốn, bảo đảm gói tín dụng đi đúng hướng (nhưng hiện chưa có).

"Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng phát huy hiệu quả thực chất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/21-ngan-hang-hop-suc-trien-khai-goi-tin-dung-500-000-ty-ar941781.html
Zalo