Thoát khỏi lối mòn tự cung, tự cấp để làm chủ kinh tế

Xuất phát từ những khó khăn, thuận lợi của xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Hội LHPN xã Thần Sa đã chủ động nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.

Luân chuyển bò giữa các hộ

Trong đó, mô hình nuôi bò nái đã được đông đảo hội viên ủng hộ, tham gia, nâng cao quyền chủ động phát triển kinh tế trong nữ dân tộc thiểu số.

Hội LHPN xã Thần Sa có tổng số 407 hội viên, 99% là phụ nữ dân tộc thiểu số với 3 dân tộc chủ yếu Tày, Dao, Mông. Đời sống kinh tế từng bước được cải thiện tuy nhiên vẫn còn rất khó khăn do chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Kinh tế hộ gia đình dựa vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ, đa số các chị em không có việc làm ổn định và vẫn tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi truyền thống như nuôi bò sinh sản, nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn, nuôi dúi, nuôi gà…

Hội LHPN xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình

Hội LHPN xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình

Với diện tích địa bàn rộng, nhưng chủ yếu là núi đá vôi khiến việc phát triển lâm nghiệp đôi khi còn gặp nhiều cản trở, hạn chế.

Địa phương phù hợp với các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuy nhiên quỹ đất đa số là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rất khó khăn cho các doanh nghiệp đến xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn.

Nhận thấy khó khăn đó, Hội LHPN xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản luân chuyển giữa các hội viên phụ nữ, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình.

Đến năm 2022 tổng đàn bò phát triển lên 23 con với 23 gia đình chị em phụ nữ được tham gia và hưởng lợi từ mô hình trên

Đến năm 2022 tổng đàn bò phát triển lên 23 con với 23 gia đình chị em phụ nữ được tham gia và hưởng lợi từ mô hình trên

Bà Trần Thị Sen – Chủ tịch Hội LHPN xã Thần Sa cho biết, xuất phát từ những khó khăn, thuận lợi từ điều kiện tự nhiên, Hội chủ động nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cho đối tượng là hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khó khăn, phụ nữ có con em bị khuyết tật, hội viên phụ nữ có thời gian công tác hội lâu năm có nhiều đóng góp trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhận định bò là gia súc phù hợp để địa phương chăn nuôi và có khả năng phát triển tốt, năm 2017 hội phụ nữ xã đã tiếp nhận 5 con bò nái từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đến năm 2022 tổng đàn bò phát triển lên 23 con với 23 gia đình chị em phụ nữ được tham gia và hưởng lợi từ mô hình trên.

"Bò giao cho hộ gia đình hội viên chăn nuôi, sau khi bò đẻ bê con thì hộ sẽ được nhận bê con. Sau 6 tháng bò mẹ tiếp tục được Ban Chấp hành hội Hội LHPN xã bình xét để luân chuyển cho hội viên phụ nữ khác chăn nuôi. Nhờ thực hiện mô hình hiệu quả, thời gian qua đã có 2 chị em vươn lên thoát nghèo từ mô hình. Đa số chị em tham gia mô hình đều tạo được đàn bò, giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển", bà Trần Thị Sen cho biết.

Rất nhiều hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi bò nái sinh sản đã cải thiện rõ rệt về mặt kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống, làm chủ kinh tế, giảm nghèo, làm giàu.

Nhiều hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi bò nái sinh sản đã cải thiện rõ rệt về mặt kinh tế hộ gia đình

Nhiều hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi bò nái sinh sản đã cải thiện rõ rệt về mặt kinh tế hộ gia đình

Điển hình như chị Hà Thị Hạnh là dân tộc Tày thuộc Chi hội phụ nữ xóm Ngọc Sơn 1, sau khi thụ hưởng bò từ mô hình, chị mạnh dạn vay vốn từ quỹ tiết kiệm của Chi hội và Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm bò tạo đàn. Hiện nay đàn bò của gia đình chị có 11 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Cùng trên địa bàn, chị Đồng Thị Nụ thuộc Chi hội phụ nữ xóm Trung Sơn sau khi thụ hưởng bò từ mô hình, gia đình chị đã mua thêm 1 con bò nái sinh sản. Đến nay gia đình chị đã là hộ thoát cận nghèo, đời sống ngày một cải thiện hơn.

Theo bà Trần Thị Sen, phụ nữ dân tộc thiểu số vốn rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Tuy nhiên với lối mòn làm kinh tế truyền thống là tự cung tự cấp, chị em chưa dám mạnh dạn đầu tư các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn hơn quy mô truyền thống.

Với lối suy nghĩ và nhận thức còn chưa thực sự cởi mở, chị em rất cần sự quan tấm của các cấp, các ngành, tăng cường các hoạt động học tập, tham quan thực tế các mô hình phát triển kinh tế, mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoat-khoi-loi-mon-tu-cung-tu-cap-de-lam-chu-kinh-te-20230421172255575.htm
Zalo