Thổ Nhĩ Kỳ muốn khôi phục sự phát triển dầu khí của Syria
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn giúp tăng sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên ở Syria, bước đi mới nhất trong nỗ lực của Ankara nhằm tham gia sâu hơn vào công cuộc tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Hôm thứ Tư 25/12, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách đáp ứng nhu cầu điện của Syria, sau hơn một thập kỷ xung đột đã làm hư hại cơ sở hạ tầng của nước này.
“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc sử dụng dầu thô và khí đốt tự nhiên để tái thiết Syria. Chúng tôi dự định sẽ nói với các đối tác của mình cách chúng tôi có thể đóng góp theo nghĩa đó”, ông Bayraktar cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các dự án này”.
Bình luận của ông nhấn mạnh mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đóng vai trò tái thiết Syria sau khi Hayat Tahrir al-Sham dẫn đầu cuộc tấn công vào thủ đô Damascus, lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad và chấm dứt cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Syria từng là quốc gia khai thác hydrocarbon nhỏ ngay cả trước khi cuộc xung đột làm đóng cửa hầu hết hoạt động khai thác dầu khí tại đây, và vẫn còn nhiều rào cản chính trị nữa trước khi những người cai trị mới có thể khôi phục các ngành công nghiệp của nước này.
Nhóm Hồi giáo đã nắm quyền vào đầu tháng này, với tên gọi HTS, được nhiều quốc gia chỉ định là một nhóm khủng bố. Các nhà lãnh đạo G7 đã nói rằng họ sẽ ủng hộ một Chính phủ Syria mới, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ra hiệu rằng họ có thể sớm xóa HTS khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng duy trì mối quan hệ hữu nghị với các nhóm lãnh đạo Chính phủ lâm thời Syria, một động thái có thể giúp các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc tái thiết, và cho phép một số trong 3 triệu người tị nạn Syria đang được Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận, trở về nhà.
Ông Bayraktar cho biết hợp tác lâu dài có thể giúp các đường ống dẫn dầu và khí đốt mới nối Syria với các cảng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính của Thổ Nhĩ Kỳ, sản lượng dầu hiện tại ở Syria ước tính chỉ khoảng 30.000 thùng mỗi ngày, bằng khoảng 5% so với mức sản lượng cách đây khoảng hai thập kỷ.