Khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu và nỗ lực vượt bão thách thức

Khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu là thực tế giới quan sát đang lo ngại, vì nếu không có sự lãnh đạo quyết đoán từ Đức hoặc Pháp, châu lục này có nguy cơ trôi dạt trong cơn bão thách thức địa chính trị và kinh tế.

Sự bất ổn chính trị dường như đang phủ bóng Liên minh châu Âu (EU) khi các quốc gia lớn của khối đang phải vật lộn với tình trạng hỗn loạn nội bộ.

Các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Đức và Pháp trong tháng qua đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, không chỉ đối với cục diện chính trị ở hai nước này mà còn tạo ra khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu mà EU khó có thể lấp đầy vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.

Khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu

Theo tờ The Hill, sự bất ổn chính trị chung ở Pháp và Đức - hai động lực phát triển lớn nhất của EU - đe dọa sẽ kìm hãm khả năng hành động của khối.

Điều này xảy ra vào thời điểm quan trọng, khi những thách thức, cả từ bên trong và bên ngoài biên giới châu Âu, tiếp tục gia tăng. Nếu không có sự lãnh đạo quyết đoán từ Berlin và Paris, tương lai của EU ngày càng trở nên bất định trong một thế giới đòi hỏi những phản ứng nhanh chóng, tập thể đối với các cuộc khủng hoảng.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Ở Đức, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hôm 16-12, do đó kích hoạt một cuộc bầu cử liên bang sớm, có thể rơi vào tháng 2-2025. Sự tan rã của liên minh "Đèn giao thông” gồm 3 đảng: Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã khiến uy tín của ông Scholz ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, lãnh đạo Friedrich Merz của liên minh CDU/CSU đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và rất có thể sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Merz nắm quyền, Đức vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự, gồm chi phí năng lượng cao, áp lực công nghiệp từ Trung Quốc và trật tự toàn cầu không ổn định.

Bên kia sông Rhine, nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Bất chấp việc bổ nhiệm ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung làm thủ tướng mới hôm 14-12, nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron đang bị bao vây ở cả hai bên.

Phe cực hữu không khoan nhượng và phe cực tả phẫn nộ tỏ ra ít quan tâm đến việc quản lý thực tế, thay vào đó tập trung vào việc phá bỏ chương trình nghị sự vốn đã mong manh của ông Macron. Các cải cách lương hưu vẫn chưa được giải quyết, ngân sách mất cân bằng và cảm giác bất ổn đang bao trùm cả nước.

Bên cạnh đó, theo Viện nghiên cứu Chatham House (Anh), trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn với những xáo trộn chính trị và sự bất an về an ninh, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy và những thách thức kinh tế ngày càng nghiêm trọng, thì sự trở lại của ông Donald Trump khiến những thách thức của lục địa này trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine ‘trong một ngày’, cảnh báo áp đặt các mức thuế quan thương mại đáng kể, và ca ngợi các nhà lãnh đạo dân túy ở châu Âu. Ông Trump cũng muốn các quốc gia châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng để các đảm bảo an ninh của Mỹ vẫn tiếp tục. Do đó, chính quyền sắp tới của ông Trump có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Làm phức tạp thêm thách thức đối với châu Âu là việc Ukraine, một ứng cử viên EU, đang chịu áp lực ngày càng tăng để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Chính vì thế, khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu có thể khiến EU đứng ngoài một thỏa thuận có thể vẽ lại cấu trúc an ninh của lục địa này, theo tờ The Telegraph.

Bằng cách coi việc ông Trump trở lại như một dạng kiểm tra thực tế, EU có thể trở nên mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi một cam kết với Ukraine và tăng cường an ninh trong NATO, đồng thời phát triển một chính sách quốc phòng chung của châu Âu, giải quyết những lo ngại về chủ nghĩa dân túy, và thông qua một chiến lược kinh tế nhất quán, bao gồm một chính sách kinh tế đối ngoại thực sự.

(theo Viện nghiên cứu Chatham House)

Những cái tên thay thế

Khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu khiến việc tìm ra nguồn tài chính lớn cho Ukraine, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và phát triển chính sách quốc phòng và đối ngoại chung sẽ vô cùng khó khăn, theo The Telegraph.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: EP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: EP

Trong thời kỳ khủng hoảng, các chính phủ EU luôn hướng đến Paris và Berlin với kỳ vọng rằng hai nước này sẽ cung cấp chất xúc tác cho những đột phá trong các cuộc đàm phán liên chính phủ khó khăn tại Brussels. Tuy nhiên giờ đây, hai cường quốc này đang phải tập trung giải quyết vấn đề nội bộ.

Châu Âu hiện có rất ít lựa chọn và hiện tại khoảng trống lãnh đạo ở châu Âu đang được bà Ursula von der Leyen - người bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của mình với tư cách là Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào ngày 1-12 - lấp vào. Bên cạnh đó là Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk - người sẽ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên EU từ Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary vào ngày 1-1-2025.

Bà von der Leyen vừa ký một thỏa thuận thương mại tự do lớn giữa EU và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur sau 25 năm đàm phán. Với việc ông Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025, Ủy ban châu Âu cũng sẽ đóng vai trò trung tâm trong quan hệ thương mại Mỹ-EU và thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn trong chi tiêu quốc phòng của châu Âu, theo tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Chiếc ghế thủ tướng Đức của ông Scholz dự kiến sẽ được thay thế bằng ông Merz vào tháng 2 tới. Ông Merz đến từ cùng một đảng với bà von der Leyen và hai người có thể thành lập một liên minh mạnh mẽ và cùng với Tổng thống Macron sẽ tạo nên một bộ ba lãnh đạo quyền lực.

Thủ tướng Georgia Meloni của Ý được cho là khá thân cận với ông Trump, có thể giúp lèo lái quan hệ Mỹ-EU trong thời gian tới, nhưng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và quá khứ cực hữu của bà có thể ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của bà tại Brussels.

Tuy nhiên, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định rằng vào thời điểm EU cần một tiếng nói chung, thì sự cạnh tranh quyền lãnh đạo châu Âu của các nhà lãnh đạo thành viên EU có thể làm suy yếu khối này, trừ khi bà von der Leyen và tân Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu Antonio Costa xoay sở để khiến tất cả các nhà lãnh đạo EU cùng chung lập trường. Đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Ba cách châu Âu đối phó sự trở lại của ông Trump

Để chuẩn bị cho sự trở lại của ông Donald Trump với vị trí tổng thống Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện những bước đầu tiên để xây dựng một chiến lược thống nhất, theo euronews.

Đầu tiên là hãy đối thoại. Các nhà lãnh đạo EU bất kể xu hướng chính trị đều đồng ý rằng đối thoại là tối quan trọng để đảm bảo liên minh lâu đời này tồn tại được với tư duy "Nước Mỹ trước tiên" không khoan nhượng của ông Trump. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự cam kết của khối đối với trật tự dựa trên luật lệ.

Thứ hai, hãy thỏa thuận. EU không hề ảo tưởng rằng chỉ cần nói chuyện là có thể giải quyết được mọi trở ngại giữa các bên. Brussels đều đã trải qua cách tiếp cận ngoại giao mang tính giao dịch của ông Trump. Trong đó, thương mại sẽ là một trong những chiến tuyến chính giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Thứ ba là củng cố EU. Chiến lược sắp tới của EU sẽ phụ thuộc nhiều vào ông Trump nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào chính EU. Trọng tâm lớn sẽ là quốc phòng. Ông Trump đã nói rằng ông sẽ "khuyến khích" Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với các nước châu Âu không đạt được mục tiêu chi tiêu của NATO và cam kết sẽ sửa đổi viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

Kịch bản tồi tệ nhất này đè nặng lên các nhà lãnh đạo EU khi họ chuẩn bị kế hoạch cho bốn năm tới.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoang-trong-lanh-dao-o-chau-au-va-no-luc-vuot-bao-thach-thuc-post827084.html
Zalo