Giải bài toán lao động cuối năm

Nhiều doanh nghiệp tại các thành phố lớn chia sẻ, đang đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc kiếm đủ người đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Gặp khó trong tuyển dụng

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, vấn đề nan giải mà đa số các nhà máy trực thuộc tập đoàn đang phải đối mặt vào thời điểm cuối năm đó là thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Theo ông, vấn đề đã và đang trở nên đáng ngại khi tỷ lệ lao động nghỉ việc trong thời gian qua tại một số đơn vị trực thuộc tập đoàn đã ngang bằng với cả năm 2023 và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng.

Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân cần tuyển hơn 2.000 công nhân để đáp ứng kế hoạch sản xuất dịp cuối năm khi đơn hàng tăng. Tuy nhiên, dù sử dụng nhiều kênh nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển được một nửa nhu cầu. Doanh nghiệp không chỉ đối mặt với thách thức tìm lao động làm đơn hàng mới, mà còn phải tuyển dự trù cho một lượng lao động sẽ nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Nhiều năm qua, cứ sau Tết sẽ có khoảng 1.000 - 2.000 lao động không quay trở lại làm việc.

Có thể thấy, doanh nghiệp không chỉ đang gặp khó trong việc tìm kiếm người làm mà còn đối diện với thách thức giữ chân lao động có thể nghỉ việc sau kỳ nghỉ Tết. Thậm chí, nhiều người lao động muốn làm thời vụ, không muốn gắn bó bằng việc ký hợp đồng dài hạn. Nhiều công ty và người lao động cũng đang gặp khó khăn đối với giới hạn về thời gian làm thêm 300 giờ/năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kế hoạch nguồn nhân lực của doanh nghiệp, mà còn kìm hãm thu nhập của người lao động.

Doanh nghiệp giải bài toán tuyển dụng và giữ chân người lao động

Doanh nghiệp giải bài toán tuyển dụng và giữ chân người lao động

Đảm bảo tiền lương, phúc lợi để giữ chân lao động

Theo Phó viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thu Lan thì đối với người lao động, tiền lương, thưởng và phúc lợi chính là động lực then chốt thúc đẩy năng suất lao động. Thực tế cho thấy, thu nhập và tinh thần làm việc của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ. Khi được đảm bảo mức lương thỏa đáng, ai cũng sẽ hăng say cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chung. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích cho tỷ lệ nhảy việc lên đến 8-12%/tháng ở các ngành thâm dụng lao động.

Như vậy, cải thiện thu nhập và chính sách tiền lương là rất quan trọng trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động có tay nghề cao.

Được biết, để giữ chân và thu hút thêm nguồn lực, hiện nhiều doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết năm 2025 sớm để giữ chân người lao động. Công ty cổ phần May Sông Hồng Xuân Trường (Nam Định) đã thông báo chính thức mức thưởng Tết cho người lao động trên loa phát thanh và mạng xã hội của công ty. Theo đó, các công nhân sẽ được thưởng Tết 2 tháng lương bình quân và tiền thưởng sản lượng hàng tháng. Đáng nói, tháng lương bình quân được tính theo công thức lương sản lượng làm ra hàng tháng cộng lại chia 12 tháng, cao hơn nhiều so với mức lương cơ bản. Với thưởng sản lượng công nhân cũng được nhận vào dịp Tết Âm lịch 2025 thay vì cắt giảm như năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, sẽ thưởng Tết bình quân hơn 12 triệu đồng/người, cao hơn 4 triệu đồng so với năm trước. Mức này tương đương 2 tháng lương. Đại diện doanh nghiệp cho biết, việc công bố các khoản tiền thưởng sớm giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với công ty. Bên cạnh đó, từ nay cho đến thời điểm trước và sau Tết, công đoàn cũng có thêm nhiều hoạt động nhằm tiếp tục chăm lo đời sống người lao động.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần hướng tới nhiều yếu tố khác để giữ chân và tuyển dụng thành công lao động. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, cần có những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu hơn để xác định nguyên nhân chính; khảo sát mức độ hài lòng của người lao động tại doanh nghiệp, để có thể có những giải pháp trọng tâm, phù hợp hơn thuyết phục người lao động gắn bó với doanh nghiệp, cũng như thu hút được nguồn lao động mới từ bên ngoài.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ, nếu chỉ tập trung đảm bảo lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết mọi vấn đề và giữ chân họ. Song hành với đó, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều yếu tố khác như: Làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện… Hơn nữa, trong công việc, động lực làm việc của mỗi người lại khác nhau, như có người cần sự tự do trong công việc, sự tôn trọng, ghi nhận… Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế chỉ ra.

Trong khi đó, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup) tin rằng, xu hướng mới hiện nay mà doanh nghiệp cần nắm vững và triển khai là xây dựng chiến lược nhân lực bền vững. Bà Hà phân tích thêm, doanh nghiệp phải biết tạo niềm hạnh phúc trong công việc cho người lao động. Cùng với phúc lợi tốt, cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công bằng và tạo cơ hội phát triển; sự gắn kết và động lực cá nhân. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao sự hài lòng, cống hiến và sự gắn bó lâu dài của người lao động.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giai-bai-toan-lao-dong-cuoi-nam-158342.html
Zalo