Trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Gỡ điểm nghẽn pháp lý để sử dụng hiệu quả
Sau hai năm thực hiện Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC, việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã bước đầu có những dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp tự tin hơn khi sử dụng quỹ này, cần hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Để khuyến khích hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ đã có quy định về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải trích một phần thu nhập trước thuế từ 3% đến 10% (với doanh nghiệp nhà nước), tối đa 10% (với doanh nghiệp tư nhân) phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất...
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2015-2021, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp không nhiều; việc sử dụng số tiền từ quỹ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ chỉ đạt 60%. Vì vậy, năm 2022, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của quỹ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (thay thế một phần Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC). Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Sau hai năm triển khai các thông tư này, mặc dù đạt một số kết quả nhất định trong trích lập và sử dụng quỹ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ các thủ tục pháp lý để quản lý, vận hành và giải ngân quỹ.
Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thu Hiền cho biết, việc trích lập và sử dụng quỹ này ở các doanh nghiệp còn hạn chế. Theo báo cáo của 17 trên tổng số 26 doanh nghiệp nhà nước thành phố Hà Nội, tổng số tiền trích lập quỹ của các doanh nghiệp giai đoạn 2021-2023 là 116,5 tỷ đồng, trong đó sử dụng là 8,2 tỷ đồng (3 doanh nghiệp phát sinh chi quỹ). Hầu hết doanh nghiệp đều băn khoăn về các nội dung được chi từ quỹ hoặc việc xây dựng các quy định, quy chế trong nội bộ doanh nghiệp phục vụ quản lý quỹ và việc nộp lại quỹ không sử dụng...
"Một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp e ngại khi trích lập và sử dụng quỹ là nhận thức của cơ quan thuế", bà Lê Thu Hiền nhấn mạnh.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội bày tỏ, công ty muốn sử dụng quỹ để thực hiện đề tài, trong đó có đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào hoạt động chỉ đạo điều hành, quản lý, khai thác, vận hành, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai nhưng không biết các nội dung chi này có phù hợp như quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN không?
Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội (UDIC) cũng băn khoăn không biết việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo giới thiệu công nghệ mới (không nằm trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ) thì có được sử dụng quỹ không? Có được sử dụng quỹ để tổ chức các đoàn tham quan học tập, trao đổi, nghiên cứu về công nghệ mới trong và ngoài nước không?
Khơi thông hoạt động
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải cho biết, theo số liệu Tổng cục Thuế, năm 2022, có 220 doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ với tổng số tiền là 6.500 tỷ đồng; số tiền được sử dụng là 3.200 tỷ đồng. So với số liệu của năm 2021 (có 254 doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ với tổng số tiền là 3.300 tỷ đồng; số tiền được sử dụng là 684 tỷ đồng), có sự gia tăng đáng kể về số trích lập và số sử dụng. Điều này chứng tỏ Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC đã bước đầu phát huy tác dụng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập quỹ, việc quản lý, sử dụng quỹ đã được Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN điều chỉnh theo hướng mở rộng và cụ thể hơn, nhất là đã tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Hai năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được phản hồi của một số doanh nghiệp phản ánh là “không còn vướng mắc gì nữa”. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có văn bản xác nhận một số hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện là khoản chi phù hợp với quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, trong đó sẽ có thêm quy định về những nội dung chi mang tính đặc thù.
“Thực tế, việc thực hiện trích lập quỹ với các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không khó mà vấn đề vướng mắc ở việc triển khai và chi tiêu. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ liên quan tìm hướng phát huy tối đa hiệu quả quỹ trong thời gian tới, cụ thể là sửa Luật Khoa học và Công nghệ”, ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.