Thiếu giáo viên, trường vùng cao xoay sở để đáp ứng chương trình học

Các trường vùng cao gặp khó khi thiếu giáo viên, kỳ vọng được luân chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu và sớm đẩy nhanh chính sách đặt hàng đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Theo nội dung Công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Tuy nhiên, tính đến hết kỳ I năm học 2024 - 2025, cả nước còn khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng trong khi còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập.

Thiếu giáo viên ở vùng cao, trường học phải xoay sở tổ chức lớp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Tình trạng thiếu giáo viên đang là vấn đề rất đáng lo ngại và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục tại địa phương. Hiện tại, nhà trường đang thiếu tới 5 giáo viên dạy văn hóa và 1 giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học. Việc thiếu hụt này gây áp lực không nhỏ lên đội ngũ giáo viên đang công tác, bởi họ buộc phải dạy thừa tiết, đồng thời việc sắp xếp thời khóa biểu cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều".

Tính theo định mức, mỗi lớp học cần đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để đảm bảo chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, hiện tại trường chỉ đạt khoảng 1,2 giáo viên/lớp. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường không chỉ thiếu nhân sự giảng dạy mà còn không có đội ngũ dự phòng trong các tình huống như giáo viên nghỉ thai sản, đau ốm hay đi công tác đột xuất.

 Thầy Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang. Ảnh: Website Trường

Thầy Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang. Ảnh: Website Trường

Thầy Chiến cho hay, mỗi năm, nhà trường đều chủ động đề xuất bổ sung biên chế lên cấp trên. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tuyển không có. Dù huyện đã lên kế hoạch tuyển dụng từ rất sớm, nhưng nhiều năm nay vẫn không đủ số lượng biên chế được giao. Một trong những nguyên nhân chính là do sinh viên tốt nghiệp các ngành Sư phạm, đặc biệt là các môn như tiếng Anh, Thể dục, nhạc họa, rất ít khi muốn lên vùng cao công tác.

Về chế độ đãi ngộ, thầy Chiến cho biết hiện nay giáo viên công tác ở vùng cao đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như phụ cấp khu vực, các khoản hỗ trợ thêm ngoài lương cơ bản. Điều này phần nào giúp các thầy cô yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với trường. Tuy nhiên, chính sách tốt thôi là chưa đủ, nếu không có nguồn nhân lực đầu vào thì rất khó để giải quyết bài toán thiếu giáo viên một cách bền vững.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cũng nhận định, tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai công tác dạy và học tại nhà trường.

Thầy Hiếu cho biết, hiện trường đang thiếu giáo viên ở cả hai cấp học. Tại cấp trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp, tuy nhiên tỷ hiện tại mới chỉ đạt 1,29 giáo viên/lớp. Với cấp tiểu học, định mức là 1,5 giáo viên/lớp (đối với trường dạy 2 buổi/ngày), nhưng trường cũng mới chỉ đạt khoảng 1,3 giáo viên/lớp, còn thiếu giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Thể dục.

"Việc thiếu giáo viên khiến nhà trường cũng phải 'xoay sở' để tổ chức lớp học được tốt nhất, vừa đảm bảo chương trình dạy, vừa không vượt quá định mức tiết dạy cho phép. Điển hình như môn tiếng Anh, trường phải dạy theo hình thức hội thảo, tức gộp 2 lớp lại, trình chiếu hình ảnh, bài giảng để các em cùng học tập và trao đổi với nhau.

Tuy nhiên, hình thức này cũng chỉ là tạm thời. Bởi việc dạy quá nhiều học sinh trong tiết sẽ khiến chất lượng khó đảm bảo. Các em học sinh sẽ không được thầy cô chỉ dẫn kỹ càng bởi thầy cô phải giảng dạy rất nhiều em cùng lúc", thầy Hiếu bộc bạch.

Vị hiệu trưởng cho hay, nhà trường năm nào cũng xây dựng kế hoạch đề nghị huyện tuyển thêm biên chế nhưng thực tế cũng rất khó khăn, đặc biệt là môn tiếng Anh, số lượng biên chế được giao nhiều nhưng nhận về rất ít hồ sơ thi tuyển. Nếu có hồ sơ, các giáo viên cũng sẽ ưu tiên nộp vào những trường thuận lợi, nên trường khó lại càng thêm khó.

Nếu để các trường được đăng ký đặt hàng đào tạo sẽ rất tốt

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao;

Thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như: Thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026 - 2027 đến năm học 2030 - 2031, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Theo thầy Trần Văn Chiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đã đưa ra nhiều hướng dẫn nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trong đó có yêu cầu đẩy mạnh đặt hàng đàotạo. Nếu nhà trường có thể phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa ra nhu cầu cụ thể thì sinh viên học ngành sư phạm được đào tạo theo hình thức "đặt hàng" bằng ngân sách nhà nước sau khi tốt nghiệp sẽ được phân công về đúng đơn vị cần. Đây là giải pháp thiết thực và rất mong sớm được triển khai đồng bộ ở các địa phương có nhu cầu cao.

Một hướng đi khác cũng đang được địa phương tính tới là sắp xếp lại các điểm trường, thu gọn cơ sở giáo dục theo hướng thuận lợi hơn cho học sinh và giáo viên. Việc quy tụ học sinh từ các điểm lẻ về một điểm trường trung tâm không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học mà còn tạo điều kiện để tập trung đội ngũ giáo viên, giảm tải gánh nặng thiếu hụt. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cơ sở vật chất cần phải đảm bảo, nhất là khi phải lo chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú và xây dựng thêm phòng học.

Trong thời gian chờ các giải pháp dài hạn, nhà trường đã chủ động xin phép cấp trên để mời giáo viên thỉnh giảng về hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, vì đặc thù địa hình vùng cao – các trường cách nhau hàng chục cây số – nên việc luân chuyển giáo viên giữa các trường gặp nhiều trở ngại. Nếu địa bàn gần nhau thì còn có thể xoay xở được, nhưng ở vùng này, việc đó gần như là bất khả thi.

“Tôi chỉ mong sao địa phương sớm có chính sách cụ thể và dài hơi hơn trong việc đào tạo và phân bổ giáo viên, lúc đó nhà trường mới có thể yên tâm phát triển”, thầy Chiến chia sẻ.

 Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh: Website Trường

Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh: Website Trường

Đồng tình với ý kiến trên, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha nhận định, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm chế độ, chính sách thu hút các giáo viên ở miền xuôi lên công tác ở miền núi thì nhân lực ngành giáo dục tại các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ đảm bảo hơn. Bởi để địa phương tự tuyển dụng sẽ gặp rất nhiều rào cản về nguồn tuyển.

Đặc biệt, đối với việc đặt hàng đào tạo, thầy Hiếu cho rằng, khi ra trường, không chắc sinh viên đã quay trở về nơi mà đang thiếu giáo viên để công tác mà sẽ lựa chọn một môi trường công tác khác thuận lợi hơn. Do đó, trường rất mong có thể triển khai đặt hàng gắn liền với từng đơn vị một.

"Ví dụ như trường này đang thiếu giáo viên Tin học chẳng hạn, thì khi đặt hàng cho trường phải kèm điều kiện khi sinh viên tốt nghiệp, phải về đúng trường đó công tác, như vậy mới giúp các trường vùng khó giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Nếu không, trường vùng khó sẽ mãi khó, khi mà đội ngũ biến động liên tục, họ cứ vào công tác một thời gian ngắn rồi lại xin chuyển", thầy Hiếu khẳng định.

Đồng cảm với câu chuyện thiếu giáo viên, thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Năm nay nhà trường đã đủ giáo viên bởi sắp có thêm giáo viên được điều động về trường. Năm học trước, trường chỉ thiếu một giáo viên tiếng Anh nhưng cũng đã cảm nhận được sự khó khăn trong việc sắp xếp tiết dạy. Thầy giáo giảng dạy môn này cũng rất vất vả".

 Thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch. Ảnh: NVCC

Thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch. Ảnh: NVCC

Thầy Hòa nhận định, thiếu giáo viên là tình trạng chung của nhiều địa phương. Đa phần nguyên nhân đến từ việc thiếu nguồn tuyển, đặc biệt với các môn chuyên biệt như tiếng Anh, Tin học. Do đó, khi nắm được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tuyển đủ số biên chế được giao, thầy tin tình trạng này sẽ giảm bớt, gỡ khó cho các trường ở vùng sâu, vùng xa.

"Tôi cho rằng, sau khi hoàn tất việc sắp xếp bộ máy tại các địa phương, cộng thêm việc tinh gọn biên chế, số lượng giáo viên còn thiếu trên cả nước sẽ giảm xuống. Đồng thời, tôi hy vọng các địa phương sẽ thực hiện hiệu quả việc luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu, tránh để tình trạng trường thì giáo viên phải nhường nhau tiết dạy, có trường lại phải để giáo viên gồng gánh nhiều lớp học", vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Về việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, thu gọn điểm trường, thầy Hòa cho rằng ban lãnh đạo địa phương cần cân nhắc, xem xét kỹ về địa lý, dân số, cơ sở vật chất của các trường để thực hiện đúng với nguyên tắc thuận lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện vùng miền mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Bởi hiện nay, các xã ở vùng cao thường có diện tích rộng, dân thưa, sẽ rất khó sắp xếp hay gộp các cơ sở giáo dục lại với nhau nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-giao-vien-truong-vung-cao-xoay-so-de-dap-ung-chuong-trinh-hoc-post251209.gd
Zalo