Thiếu giáo viên: Cần gỡ 'nút thắt' từ chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ

Thiếu giáo viên (GV) cục bộ kéo dài đang cản trở triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại nhiều địa phương....

Trả lời phóng viên VOV.VN, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ về giải pháp tháo gỡ, trong bối cảnh Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” giáo viên.

Giải bài toán thiếu giáo viên: Cần lời giải ngay, không thể trì hoãn

PV: Muốn nâng chất lượng giáo dục, phải bắt đầu từ người thầy. Vậy tình trạng nhiều địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ra sao?

TS Vũ Minh Đức: Trước hết, cần khẳng định rằng, đội ngũ nhà giáo chính là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo biên chế, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những yêu cầu rất cơ bản, cốt lõi để Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Định mức giáo viên hiện nay không phải được đưa ra một cách tùy tiện mà đã được tính toán trên cơ sở khoa học, phù hợp với cấu trúc chương trình và cơ cấu các môn học. Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải bắt đầu từ chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhà giáo - “chìa khóa” để tháo gỡ nút thắt này.

Nếu không bố trí đủ giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp thì chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng, quyền lợi học tập của học sinh cũng không được bảo đảm.

PV: Theo ông nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ kéo dài trong nhiều năm nay mà không giải quyết được? TS Vũ Minh Đức: Một trong những nguyên nhân lớn là do ngành giáo dục không có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng và điều động giáo viên. Giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện. Điều này khiến cho việc điều động giáo viên giữa các huyện gần như không thể thực hiện, dẫn đến tình trạng nơi thì thiếu, nơi lại thừa mà không thể điều chuyển.

Ngoài ra, việc địa phương không giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục, khiến cho việc tuyển dụng giáo viên không sát với nhu cầu thực tế. Có nơi tuyển được giáo viên nhưng lại không đúng cơ cấu môn học mà nhà trường đang cần. Thêm vào đó, việc cắt giảm biên chế theo hướng cơ học trong quá trình tinh giản biên chế hiện nay càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng hơn.

PV: Dự thảo Luật Nhà giáo làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo. Tại Kỳ họp thứ 9 mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất trao quyền này. Quan điểm của ông?

TS. Vũ Minh Đức: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Khi ngành Giáo dục được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng và điều động giáo viên, chúng tôi sẽ nắm rõ hơn nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục để bố trí nhân lực hợp lý, linh hoạt, từ đó khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ kéo dài.

Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết "nút thắt" nhân lực của ngành giáo dục gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” giáo viên, bảo đảm tuyển dụng đúng, đủ theo chỉ tiêu đã được phê duyệt.

Điều quan trọng nữa là phải thay đổi nhận thức của lãnh đạo địa phương về vai trò của giáo viên. Việc tinh giản biên chế cần dựa trên thực tế, chứ không thể làm cơ học như hiện nay ở nhiều địa phương. Quan điểm của chúng tôi rất rõ: “Ở đâu có người học, ở đó phải có thầy cô giáo”.

PV: Với đội ngũ giáo viên hiện nay làm sao để đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục trong thời gian tới, thưa ông?

TS Vũ Minh Đức: Các trường sư phạm hiện vẫn là nguồn cung chủ lực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể huy động thêm từ sinh viên các ngành gần, được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm. Đây là một nguồn lực rất đáng kể để bổ sung cho đội ngũ giáo viên, nhất là ở những môn học đặc thù hoặc môn tích hợp - lĩnh vực đang thiếu giáo viên trầm trọng.

Về cơ bản, nếu có cơ chế thu hút hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về đội ngũ giáo viên trong thời gian tới. Vấn đề là làm sao để những người được đào tạo sư phạm, hoặc có năng lực giảng dạy, thực sự muốn gắn bó với nghề.

Khi ngành Giáo dục được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng và điều động giáo viên thì sẽ khắc phục được tình trạng vừa thừa - vừa thiếu giáo viên.

Khi ngành Giáo dục được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng và điều động giáo viên thì sẽ khắc phục được tình trạng vừa thừa - vừa thiếu giáo viên.

Muốn "giữ chân" giáo viên cần có chế độ, chính sách đãi ngộ

"Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là GV công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để tạo động lực thực sự cho GV yên tâm công tác, thu hút người giỏi vào ngành, cần tiếp tục điều chỉnh chính sách, đặc biệt là về tiền lương và các chế độ ưu đãi. Đây là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ" - TS Vũ Minh Đức

PV: Một trong những đề xuất được nhiều người quan tâm là tăng lương cho giáo viên, thậm chí đưa lương giáo viên lên mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Liệu đây có phải là “cú hích” để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề?

TS Vũ Minh Đức: Việc này đã được xác định rõ trong các Nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Trung ương. Chúng tôi rất mong muốn đội ngũ giáo viên được hưởng mức lương cao, đủ để họ yên tâm công tác, sống được bằng nghề, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp trồng người và hạn chế bỏ việc. Tuy nhiên, tiền lương giáo viên cũng phải nằm trong một hệ thống chính sách tiền lương thống nhất của toàn xã hội và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Và để thực hiện được nhưng điều trên cần có một lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn ngân sách.

Đáng mừng là theo dự thảo "Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập" Bộ vừa công bố để lấy ý kiến thì giáo viên mầm non được tăng phụ cấp từ 35% - 80%, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.

PV: Từ tháng 4, Thông tư số 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông có hiệu lực. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường với việc thiếu giáo viên hiện nay các trường khó sắp xếp giáo viên theo đúng quy định: “Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ”. Ý kiến của ông về “độ vênh” này?

TS Vũ Minh Đức: Quy định giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục. Khi giáo viên không phải gánh quá nhiều việc ngoài chuyên môn, họ sẽ có điều kiện tập trung cho công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả quy định này trong bối cảnh thiếu giáo viên, UBND các tỉnh, thành cần chủ động rà soát và đề xuất với Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế theo định mức của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, cần bố trí đủ kinh phí để hợp đồng lao động ở những vị trí còn thiếu, cũng như chi trả chế độ dạy thêm giờ cho giáo viên trong thời gian chưa tuyển đủ người.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-giao-vien-can-go-nut-that-tu-chinh-sach-tuyen-dung-su-dung-va-dai-ngo-post1200045.vov
Zalo