Kiến thức học chậm không sao, nhưng kỹ năng sinh tồn không thể chậm

Chỉ vài tuần nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đã liên tiếp xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Bởi vậy, cần chú trọng đến dạy các kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ.

Kỹ năng sinh tồn cho học sinh không thể chậm trễ

Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây yêu cầu ngành giáo dục, các địa phương chuẩn bị điều kiện để dạy 2 buổi mỗi ngày miễn phí ở bậc Tiểu học, THCS, từ năm học 2025-2026. Nhiều ý kiến cho rằng, buổi học thứ 2 trong các nhà trường nên dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, nhằm giúp các em nhận thức được các rủi ro và có kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân.

Học sinh mệt mỏi sau giờ học chính khóa, vội vã ăn uống để kịp giờ học thêm (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Học sinh mệt mỏi sau giờ học chính khóa, vội vã ăn uống để kịp giờ học thêm (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Hình ảnh các em học sinh mệt mỏi sau các giờ học hay vội vàng ăn bữa chiều để kịp các buổi học thêm tại các trung tâm rất dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đa phần các lớp học kỹ năng sống được sắp xếp vào cuối tuần hoặc “chờ” đến dịp nghỉ hè, trong khi đây là nhu cầu rất thiết thực của nhiều học sinh:

"Con thấy học ở trên trường lý thuyết hơi nhiều quá nên học kỹ năng sống nó sẽ áp dụng thực tế nhiều hơn".

"Con thích học mấy môn thể thao như bơi lội, chơi bóng rổ. Con cũng muốn nhà trường xếp thêm một số tiết thể dục nữa vào buổi chiều để cho học sinh có thể học tập và trải nghiệm thêm".

Chỉ vài tuần nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đã liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Bởi vậy, theo chị Lan Hương, ở Ba Vì, Hà Nội cần chú trọng đến dạy các kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ:

"Bây giờ các bạn đang trong mùa hè, thì các bạn đi bơi rất nhiều, đặc biệt là các bạn ở quê hay có sông Hồ, ao suối, nhà trường cũng nên được tập trung vào dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống, học bơi này hay có thêm những hoạt động khác ở trên trường, các bạn sẽ tập trung ở lại trường, cùng nhau hoạt động ngoại khóa, chứ không phải là tụ tập đi chơi không an toàn nữa".

Theo chị Hồng ở quận Hà Đông, học sinh ở các đô thị hiện nay đa phần chỉ tập trung vào học văn hóa, ít tham gia các hoạt động trong gia đình và thiếu những kỹ năng tự phục vụ bản thân:

"Theo mình, nên kết hợp cả dạy cả kiến thức vào buổi chiều để giảm tải buổi học chính và kết hợp dạy cả các kỹ năng mềm. Ví dụ như là hướng dẫn giúp đỡ bố mẹ việc nhà này hoặc kỹ năng về thoát hiểm hoặc các nguy hiểm khi ra tham gia giao thông ngoài đường, kỹ năng phòng chống cháy nổ. Những kỹ năng các bạn được học ở trường sẽ tốt hơn".

Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên THCS ở tỉnh Quảng Bình ủng hộ yêu cầu học 2 buổi trên ngày từ năm học tới. Tuy nhiên, kế hoạch sắp xếp các môn học, thời gian học cho học sinh phải tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của mỗi nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Lan cho rằng:

"Buổi sáng, các em có thể học các môn văn hóa khá căng thẳng, buổi chiều, mình nên xếp các môn giáo dục kỹ năng sống, các môn nghệ thuật, thể dục, hoạt động trải nghiệm, qua đó tạo tinh thần, tư tưởng thoải mái cho các em học sinh. Việc tham gia các hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cho các em học sinh, các em được đến trường được giao lưu, qua đó tạo tinh thần đoàn kết học hỏi các em học sinh".

Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh học cách bảo vệ bản thân an toàn trong mùa hè (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh học cách bảo vệ bản thân an toàn trong mùa hè (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế theo mô hình có môn học hoạt động trải nghiệm trong nhà trường. Nhưng để hoạt động trải nghiệm này hiệu quả, TS.Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô cho rằng, cần phải phối hợp với các giờ học giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục các kỹ năng sống là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành giáo dục vào đào tạo hiện nay:

"Hiện nay, bên cạnh các kiến thức văn hóa, giáo dục kỹ năng là cực kỳ quan trọng. Thậm chí là kỹ năng mềm hiện nay nó có giá trị thực tiễn, có ảnh hưởng tới sự thành đạt của học sinh sau khi trưởng thành, sau khi bước vào cuộc sống còn nhiều hơn là nội dung kiến thức mà các em tiếp thu được ở trường phổ thông. Cho nên việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh được trở thành một nội dung quan trọng trong nhà trường phổ thông".

Mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những điều kiện vị trí địa lý khác nhau và môi trường sống khác nhau. Bởi vậy, TS Nguyễn Ngọc Linh, công tác tại Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương cho rằng, cần xây dựng những chương trình nhu cầu giáo dục kỹ năng sống dựa trên điều kiện thực tế:

"Tôi nghĩ rằng, chủ trương này là vô cùng đúng đắn và quan trọng và rất mong các địa phương, các nhà trường sắp xếp để cho các chương trình đào tạo các kỹ năng này cho các em nhanh chóng đi vào thực tiễn càng sớm càng tốt. Các nhà trường, sở giáo dục đào tạo của các địa phương cần nghiên cứu những đặc thù trong địa phương, đô thị của mình để xây dựng những kỹ năng quan trọng giúp cho các em thích nghi với chính môi trường sống tại địa phương của mình".

Theo PGS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, hiện nay, giáo dục các kỹ năng sống đang được lồng ghép trong các môn học. Tuy nhiên, nếu năm học tới thực hiện ngày học 2 buổi, thì việc dãy các kỹ năng sống trong các trường cần phải chuẩn bị.

"Nếu có thêm 1 buổi học thì hoàn toàn có thể tổ chức các lớp học rất khác biệt, điều đầu tiên phải có phòng học, có lớp học ngày 2 buổi. Việc giảng dạy kỹ năng cho học trò ngày càng chuẩn chỉ hơn. Phải có chương trình, định hướng rất cụ thể trong quá trình giảng dạy cho học trò bậc tiểu học và THPT. Có một đội ngũ chuyên giảng dạy kỹ năng sống".

Dẫn kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, PGS Nguyễn Kim Hồng cho biết, từ hơn 20 năm trước, Singapore đã có những buổi dạy kỹ năng nói chuyện, kỹ năng hợp tác… cho học sinh. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu, các kỳ học đều tổ chức các buổi trải nghiệm từ 3-7 ngày dành cho các học sinh, không có sự tham gia của phụ huynh, nhằm nâng cao kỹ năng tự lập, kỹ năng lên kế hoạch, làm việc nhóm cho học sinh.

Hiện nay cả nước có khoảng 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% dân số. Giáo dục kỹ năng sống hiện nay đã được đưa vào trong trường học nhưng thời lượng còn ít, chưa có tính hệ thống, trong khi số lượng trẻ em gặp tai nạn thương tích đang ở mức.

Bởi vậy, cần nâng cao thời lượng, chất lượng giáo dục kỹ năng sinh tồn trong trường học thời gian tới.

Hải Hà-Vũ Loan/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kien-thuc-hoc-cham-khong-sao-nhung-ky-nang-sinh-ton-khong-the-cham-post1200432.vov
Zalo