Thiếu chỗ đỗ ô tô - Chuyện không nhỏ
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 120 nghìn ô tô các loại đã đăng ký, tập trung phần lớn ở TP. Thái Nguyên. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng ô tô cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và có mức độ gia tăng số lượng xe ô tô nhanh chóng trong những năm gần đây. Chưa kể đến mỗi ngày có hàng nghìn ô tô từ các địa phương khác lưu thông trên địa bàn. Điều đáng nói, lượng ô tô nhiều nhưng TP. Thái Nguyên lại đang thiếu các khu, bãi đỗ xe.
Tìm chỗ đỗ khó hơn mua ô tô
“Xe bác nào đang đỗ ở khu vực đường xxx thì cho em nhờ...”, “ai đang đỗ xe ở khu vực xxx thì ra đánh đi cho tôi lấy xe với...”, những năm gần đây, các dòng trạng thái tương tự như trên xuất hiện thường xuyên trên các trang, hội nhóm mạng xã hội. Qua đó phần nào cho thấy hiện trạng các xe ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, khu dân cư, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Theo ước tính, trong giai đoạn 2019-2024, mỗi năm, số lượng ô tô trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng khoảng 10%. Còn theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở, năm 2019, tỷ lệ gia đình sở hữu ô tô tại Thái Nguyên là 10,3%, đứng thứ ba cả nước. Đến năm 2024, con số này đã tăng lên 17,4%, đứng thứ hai (cả nước có 9% gia đình sử dụng ô tô). Đời sống kinh tế đi lên, cộng với các điều kiện ưu đãi về vay vốn, khuyến mại và nhu cầu đi lại gia tăng đã khiến việc mua ô tô trở nên ngày càng phổ biến trong các gia đình.
Riêng năm 2024, số ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh là 7.839 xe, tăng 21,6% so với năm 2023. Số lượng xe đăng ký mới tăng nhanh vào 3 tháng cuối năm.
Trong bối cảnh sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông như hiện nay, nhất là ô tô, đã tạo ra một áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là đô thị lớn như TP. Thái Nguyên. Khi mật độ dân cư ngày càng đông đúc, nhà, cửa hàng san sát, vỉa hè làm chỗ để xe máy, mặt tiền nhà mặt phố làm chỗ để xe phục vụ sinh hoạt, kinh doanh thì với các tài xế, việc tìm một chỗ đỗ ô tô miễn phí trên đường là khá khó khăn, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực có nhu cầu bức thiết nhất về chỗ đỗ xe tập trung là các phường ở trung tâm TP. Thái Nguyên, gồm: Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Đồng Quang, Quang Trung... và tại vị trí các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại... nằm trên một số tuyến đường, phố chính như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Du, Nha Trang, Đội Cấn, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến, Dương Tự Minh... Tại những nơi này, việc tìm một điểm đỗ xe thuận tiện không hề dễ dàng, khi nhiều con đường, nhiều ngõ phố bỗng nhiên biến thành chỗ đỗ xe của không ít người.
Chị Nguyễn Thu Hương, ở phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên): Mỗi khi đến các cơ quan, bệnh viện hay ghé cửa hàng ở những tuyến phố trung tâm, tôi thường phải lái xe lòng vòng để tìm chỗ đỗ. Các bãi trông giữ xe, thậm chí cả chỗ có thu phí, đều luôn trong tình trạng kín chỗ.
Còn anh Bùi Duy Tùng, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Ngõ vào nhà tôi có khoảng 20 hộ, thì có đến mười mấy chiếc ô tô. Buổi tối, các gia đình thường để xe ở lòng đường, rất bất tiện cho đi lại, sinh hoạt. Ngược lại, nếu không để xe trong ngõ, các hộ cũng không biết đỗ ở đâu.
Vi phạm tràn lan vì thiếu chỗ dừng, đỗ xe
Ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường trên địa bàn TP. Thái Nguyên cho thấy, việc thực hiện các quy định về dừng, đỗ phương tiện của người dân vẫn chưa tốt. Dọc một số tuyến đường như: Nha Trang, Hoàng Văn Thụ, Phủ Liễn... mặc dù có biển quy định khu vực cấm dừng, cấm đỗ, nhưng ngay phía sau những tấm biển đó là cả dãy ô tô dài dừng, đỗ tùy tiện. Ở một số nơi, các xe đỗ không có hàng lối, gây ra cảnh lộn xộn, nhếch nhác.
Không chỉ vậy, tại một số tuyến đường như: Bến Oánh, Bến Tượng... nhiều xe ô tô, xe máy đỗ trên vỉa hè, chắn ngang phần đường dành cho người đi bộ, khiến người đi bộ phải chọn lòng đường làm nơi đi lại. Thực trạng trên diễn ra khá thường xuyên và gây bức xúc cho người tham gia giao thông trên đường cũng như người dân sống xung quanh.
Nhiều chủ phương tiện bày tỏ rằng họ biết việc đỗ xe trên một số tuyến đường cấm như vậy là sai quy định, song cũng đành vì không còn chỗ nào để đỗ. Tương tự, nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán “bám” vỉa hè cũng đành chấp nhận việc dừng đỗ sai quy định để thuận liện cho việc vận chuyển hàng hóa, bất chấp có thể bị xử phạt bất cứ lúc nào khi lực lượng chức năng thực thi công vụ đi qua. Hoặc một số chủ cửa hàng khác lại phải chịu cảnh ô tô chắn ngang cửa hàng, ảnh hưởng đến việc buôn bán.
Chị Lê Thị Thảo, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên): Với những xe để lại số điện thoại, tôi có thể liên hệ được chủ để di chuyển xe ngay. Nhưng có xe đỗ trước cửa hàng đến nửa buổi sáng khiến tôi không buôn bán được gì.
Theo Trung tá Trần Đức Huy, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP. Thái Nguyên): Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với ngành chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra, tổ chức ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau xử phạt, vi phạm vẫn tái diễn. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông mỏng, không thể thường xuyên có mặt để nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Năm 2024, Công an TP. Thái Nguyên đã xử phạt 154 trường hợp vi phạm và nhắc nhở hàng nghìn trường hợp dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định.
Lời giải nào cho bài toán thiếu chỗ đỗ xe?
Theo thống kê, TP. Thái Nguyên hiện có gần 60ha bến bãi và điểm đỗ xe công cộng. Cụ thể, thành phố đang áp dụng quy định cho phép đỗ xe dưới lòng đường tại 23 tuyến phố đủ điều kiện, với tổng diện tích gần 14ha; 15 tuyến đường được phép tổ chức đỗ xe trên vỉa hè, với diện tích hơn 23ha; diện tích đỗ xe trong các khu đô thị, khu dân cư mới là 17ha; khu vực đỗ xe trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị phục vụ cán bộ, công chức và người dân đến giao dịch là 4,5ha.
Trong khi đó, toàn thành phố ước tính có khoảng 50 nghìn xe ô tô các loại. Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế (đối với chỗ đỗ xe ô tô, diện tích tối thiểu cho mỗi chỗ đỗ xe là 25m2), thì các bãi đỗ xe trên địa bàn chưa đáp ứng được 1/2 tổng số phương tiện hiện có, chưa kể lượng xe từ nơi khác lưu thông đến.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó phòng Quản lý đô thị TP. Thái Nguyên, cho biết: Hiện nay, trong các đồ án quy hoạch xây dựng, thành phố đều dành diện tích ưu tiên cho bãi đỗ xe tập trung. Ngay trong việc lập quy hoạch, cấp phép các dự án, các công trình như chung cư, trung tâm thương mại, trụ sở các cơ quan, trường học… thành phố cũng đề xuất Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo về số lượng chỗ đỗ xe để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút nhà đầu tư triển khai các bãi đỗ xe tập trung gặp nhiều khó khăn. Thành phố mới quy hoạch đươc 1 bãi đỗ xe ngầm quy mô trên 1ha và 2 bãi đỗ xe tại phường Hoàng Văn Thụ và phường Phan Đình Phùng. - bà Phạm Thị Kim Thoa
Để giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trong giai đoạn trước mắt, theo lãnh đạo TP. Thái Nguyên, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, thí điểm sử dụng tạm thời một phần lòng đường để bố trí các phương tiện đỗ xe nếu đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực trung tâm. Song song với đó, UBND thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch; phối hợp với Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng quỹ đất đỗ xe cho mục đích khác của các cá nhân, tổ chức, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ các quy định về bố trí chỗ để xe khi quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp với việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định, sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nợi trông giữ xe trái phép. Về dài hạn, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát các đồ án quy hoạch trên địa bàn để tham mưu điều chỉnh, bổ sung vị trí, quy mô các bãi đỗ xe cho phù hợp; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe thông minh có hiệu suất sử dụng cao.
Có thể nhận thấy, để giải quyết vấn đề thiếu chỗ đỗ xe ở khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên cần có kế hoạch đồng bộ, lâu dài. Trong bối cảnh các giải pháp tình thế vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thì việc nhìn nhận thẳng thắn và không né tránh hiện trạng là rất cần thiết. Từ đó, thành phố có thể đề xuất thí điểm những dự án ưu tiên, huy động sự đồng hành của doanh nghiệp để sớm giải quyết được nhu cầu bức thiết của xã hội.