Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có khẩu hiệu 'trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ'

Để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều tổ chức và cá nhân đã không từ bất kỳ thủ đoạn nào; kể cả xuyên tạc, bóp méo lịch sử; vu khống một cách trắng trợn. Gần đây, khi có một số trí thức bị khai trừ ra khỏi Đảng, nhiều người, nhiều tổ chức lại lu loa lên rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vốn coi khinh trí thức. Họ cũng cho rằng trước đây, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có hẳn một khẩu hiệu là 'trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những luận điệu xuyên tạc, vu khống, bóp méo sự thật như trên vốn không xa lạ gì với nhiều người. Thế nhưng, điều đáng nói là có những người “té nước theo mưa”; trong đó, không ít những người được xem là có học thức, có hiểu biết. Rất nhiều người, hoặc dễ tin, hoặc “nghe hơi nồi chõ” và không chịu kiểm chứng thông tin đã vô tình tin theo những luận điệu này. Cá biệt có người còn tiếp tay cho những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật một cách trắng trợn này.

Sự thật thì Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có khẩu hiệu "trí phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ" mà chỉ là một khẩu hiệu được đưa ra bởi một cấp ủy và thực hiện trong nội bộ Đảng nhưng đã ngay lập tức bị Ban Chấp hành Trung ương kịp thời chấn chỉnh khi chưa gây ra những tác hại đáng tiếc.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng, đây là những bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rõ nhất tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, về quy tụ trí thức. Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”. (https://tennguoidepnhat.net/2012/08/26/sach-luoc-van-tat-cua-dang-1930/).

Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị Trung ương bầu ông Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng và đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng với đổi tên Đảng, Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã được thay thế bằng Luận cương Chính trị tháng 10/1930.

Trong những năm 1930 - 1931, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, Xứ ủy Trung kỳ tổ chức phát động Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng thất bại do bị Thực dân Pháp khủng bố trắng khiến lực lượng tổn thất nặng nề. Lúc bấy giờ, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng ở Trung kỳ nhận định rằng có thể trong nội bộ có kẻ phản bội, mà nghi vấn tập trung vào những đối tượng thành phần trí thức, phú cự, địa chủ, cường hào. Năm 1931, Xứ ủy Trung kỳ ra chỉ thị về vấn đề thanh Đảng. Chỉ thị viết: “Thanh trừ trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” (dẫn lại theo Văn kiện Đảng (1998), toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 157). Nhận thấy đây là một nhận định và chủ trương nếu không kịp thời chấn chỉnh và khắc phục sẽ để lại hậu quả tai hại, ảnh hưởng đến sức mạnh khối đoàn kết dân tộc, Trung ương Đảng đã kịp thời uốn nắn nhận thức quá tả này và khẳng định: “Xứ ủy Trung kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng” (dẫn lại theo Văn kiện Đảng (1998), toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 157).

Trung ương yêu cầu Xứ ủy Trung kỳ phải có nhận thức đúng đắn và sửa sai: “Vậy tiếp được chỉ thị này, Xứ ủy phải nghiêm mật khảo xét lại từng địa phương, từng bộ phận, từng cá nhân, người nào sai, bộ phận nào sai phải dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy” (dẫn lại theo Văn kiện Đảng (1998), toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 157) để tự chỉ trích, khắc phục những sai lầm trên.

Như vậy, rõ ràng khẩu hiệu "trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" thực chất chưa bao giờ là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chỉ là khẩu hiệu thanh lọc trong nội bộ Đảng và được thực hiện ở Xứ ủy Trung Kỳ nhưng Trung ương đã kịp thời chấn chỉnh và Xứ ủy Trung Kỳ đã kịp thời thu hồi chỉ thị này. Chỉ thị này sau đó cũng không được sử dụng lại ở bất cứ đâu khác.

Như vậy, có thể kết luận mấy vấn đề sau đây:

Một là, rõ ràng có khẩu hiệu này nhưng nó không phải là chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy mà chỉ là sự nhận thức ấu trĩ của Xứ ủy Trung Kỳ.

Hai là, câu khẩu hiệu nêu ra “trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” không phải để thanh trừng các giai tầng này trong xã hội, mà đây là một chỉ thị mang tính nội bộ của Xứ ủy Trung Kỳ, thanh Đảng của nội bộ Đảng. Hiểu nôm na là loại các thành phần trên ra khỏi các tổ chức Đảng thuộc Xứ ủy Trung Kỳ.

Ba là, sau khi biết Xứ ủy Trung Kỳ có chỉ thị này, Trung ương đã ngay lập tức yêu cầu chấn chính và Xứ ủy Trung Kỳ đã thu hồi chỉ thị này.

Bốn là, khẩu hiệu này sau đó đã không còn được nhắc tới và sử dụng ở bất kỳ các giai đoạn nào của Đảng, nếu có nhắc chỉ là nhắc những sai lầm, ấu trĩ của một thời, của một xứ ủy.

95 năm từ khi câu khẩu hiệu sai lầm này của một cấp ủy (không phải của Đảng, người viết nhấn mạnh) ra đời, đến nay vẫn còn nhiều người mơ hồ và vẫn được những người không thiện chí vin vào đó để tung hỏa mù và chống phá. Thiết nghĩ, sự thực này phải được phổ biến rộng rãi trong Đảng và trong các phương tiện truyền thông.

VIẾT PHƯỚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202501/dang-cong-san-viet-nam-chua-bao-gio-co-khau-hieu-tri-phu-dia-hao-dao-tan-goc-troc-tan-re-55e435c/
Zalo