Thiêng liêng tiếng gọi non sông

Trong những ngày cờ hoa rực rỡ, mừng 50 năm Ngày Giải phóng trên mảnh đất kinh kỳ xưa, có những người lính già đã gửi vào bầu trời thênh thang nụ cười hiền như nắng. Ánh nắng từ những trái tim quả cảm, sẵn sàng hy sinh, để non sông thống nhất, hòa bình.

 Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân (trái) và đồng đội vui mừng trong ngày gặp lại, mừng 50 năm Ngày Giải phóng Huế

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân (trái) và đồng đội vui mừng trong ngày gặp lại, mừng 50 năm Ngày Giải phóng Huế

Máu xương gửi lại

Có lẽ nao nức đong đầy bởi một ngày đặc biệt, mà nắng vàng óng ánh thả xuống dòng Hương vô vàn nụ cười rạng rỡ. Con sông nổi tiếng phẳng lặng êm đềm, chợt lao xao tiếng sóng hân hoan. Hơn 1.000 cựu chiến binh (CCB) trở lại mảnh đất Cố đô - chiến trường khốc liệt năm xưa, nơi họ và đồng đội đã anh dũng chiến đấu, để chung niềm vui lớn, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Huế.

Tại cầu Trường Tiền, biểu tượng lịch sử và văn hóa của xứ Huế, bên cây phượng vĩ “huyền thoại” với bao mùa hoa đỏ rực - màu khát vọng in bóng xuống dòng Hương, tôi gặp những người lính già quân phục trang nghiêm, huy chương gắn dày trên ngực áo. Đó là các ông: Nguyễn Thanh Vân (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình); Phạm Đình Niệm; Nguyễn Văn Chiến; Lê Sỹ Họa và những người lính Sư đoàn 324, năm 1968 (nay các ông thuộc Hội CCB tỉnh Thái Bình) từ miền Bắc, mòn dép hành quân 3 tháng trời vượt Trường Sơn vào chiến trường Thừa Thiên Huế; cùng Đảng bộ, quân - dân Thừa Thiên Huế chiến đấu, giành thắng lợi.

 Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân chia sẻ những cảm xúc tự hào trước sự phát triển tươi đẹp của TP. Huế

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân chia sẻ những cảm xúc tự hào trước sự phát triển tươi đẹp của TP. Huế

“Huế bây giờ được dựng xây, phát triển, đẹp và thanh bình quá đỗi. Nỗ lực của Đảng bộ, Nhân dân thành phố thực sự xứng đáng với máu xương và tuổi trẻ của biết bao người lính đã gửi lại nơi này”, ông Vân thốt lên những lời tự đáy lòng. Ngắm những nhành phượng lá xanh đầy nhựa sống, dưới bầu trời mênh mông yên bình, người lính già rưng rưng hồi tưởng: “Trận Mậu Thân 1968, đơn vị chúng tôi nhận lệnh đánh vào trong thành. Khi vượt qua cầu Trường Tiền, 3 đồng chí trúng đạn quân thù, ngã xuống ngay đầu múi cầu, gần gốc phượng. Đồng đội hy sinh, đau cắt ruột gan, nhưng lúc đó chúng tôi phải tiếp tục tiến công. Lực lượng du kích, cán bộ nằm vùng tìm cách chôn cất liệt sĩ”.

Chiến trường gọi là đi. Mặt trận này tiếp mặt trận khác. Ký ức của những CCB ghi khắc những địa danh đã diễn ra các trận đánh ác liệt: Đồi A Bia (còn gọi là Đồi Thịt Băm ở A Lưới); “khe tử”, “suối tử” trong chiến dịch Động Tranh (Bình Điền cũ); núi Bông, núi Nghệ; sông Bồ; Rào Trăng; Mang Cá…

“Mưa bom bão đạn, nhiều trận đánh khi rút về quân số chỉ còn một nửa, thậm chí một phần ba. Đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mình, đau đớn, thương không lời nào tả được! Trong những ngày ác liệt tại A Bia, bộ đội ta hy sinh nhiều lắm. Tôi đã tự tay chôn cất 3 đồng chí của mình ngay tại đồi Thịt Băm lúc ấy, đến nay chưa tìm lại được”, CCB Nguyễn Thanh Vân hồi ức nghẹn ngào.

Mười năm trước trở lại cùng Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế mừng 40 năm giải phóng, và lần này, giữa Kinh thành rực rỡ cờ hoa, ông Vân đều đến thăm cây phượng bên cầu Trường Tiền; cùng đồng đội lên đồi A Bia, bây giờ là di tích lịch sử cấp quốc gia “Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia”; đến nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới, lặng ngồi giữa những dãy mộ lặng im, với dòng chữ tạc bằng sơn đỏ, trên bia mộ: Liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Vì một ngày thống nhất

Cuộc gặp gỡ, chuyện trò tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố - nơi tiếp đón hơn 1.000 CCB trở lại chiến trường xưa, để hòa chung niềm vui, niềm tự hào cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng TP. Huế đong đầy cảm xúc.

“Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường Thừa Thiên Huế, cùng Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế giành giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi đã chiến đấu trên tất cả chiến trường lớn của Huế; chi viện các chiến trường khác của Tây Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng…; ra trận với quyết tâm sắt đá, hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hy sinh. Tất cả vì một ngày non sông thống nhất. Có thể mình không còn, nhưng thế hệ mai sau sẽ được sống trong hòa bình tươi đẹp”, CCB Phạm Đình Niệm bất giác đặt bàn tay lên ngực trái.

Thời hoa lửa ấy, ông Nguyễn Thanh Vân cũng đã từng đặt tay lên trái tim mình, với lời tuyên thệ thiêng liêng trong buổi lễ kết nạp Đảng ngay trên miệng hầm, dưới làn đạn quân thù; vinh dự trở thành người đảng viên sau trận đánh sinh tử năm 1972, một mình 7 ngày liền kiên cường trong căn hầm ngập nước bên bờ sông Bồ, bị địch bao vây. Đồng đội đã tìm đường ứng cứu, để ông trở về từ lằn ranh sinh tử, tiếp tục đi qua đạn bom.

“Có người lính thông tin hữu tuyến điện không biết bao lần luồn dưới mưa bom, vượt qua “khe tử”, “suối tử”, để nối đường dây bị bom, đạn, pháo “phạt” đứt, đảm bảo thông tin chỉ huy thông suốt từ sở chỉ huy ra trận địa. Đó là anh Nguyễn Văn Chiến, anh hùng trong lòng đồng đội” - ông Vân nắm chặt tay người đồng chí, như năm xưa trên chiến trường khói lửa, họ ôm chầm nhau bởi niềm hạnh phúc vẫn còn sống sau mỗi trận đánh.

Ông Chiến lại nói giản dị: “Vì lòng yêu nước, nơi nào nguy hiểm nhất, cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là tôi đi, bất kể ngày đêm, mưa bom bão đạn, vẫn dò từng mét dây, tìm mối đứt để nối lại. Thông tin chỉ huy, liên lạc kịp thời, thông suốt là yếu tố quan trọng quyết định “thắng, thua” của một trận đánh, nên tôi và những đồng đội khác sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao”. Người lính gan dạ đó đã vinh dự nhiều lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba ngay tại chiến trường A Bia, Động Tranh…

Cơn gió len vào chiều dịu mát, như ký ức của những người lính già sóng sánh nỗi yêu thương. Các CCB Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Văn Chiến, Lê Sỹ Họa nói rằng, mãi thương nhớ người dân xứ Huế nghĩa tình chở che bộ đội; những cô gái giao liên chuyển tài liệu, dẫn đường, đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất A Lưới vượt suối đèo, rừng sâu, núi cao, oằn mình gùi đạn trên lưng giúp cách mạng; giữa tiếng bom vẫn cất vang tiếng hát, giúp người lính càng vững tay súng trong những tháng ngày khốc liệt mà hào hùng.

Những người lính già ngước lên, gửi vào bầu trời thênh thang nụ cười hiền như nắng. Ánh nắng từ những trái tim quả cảm, sẵn sàng hy sinh để non sông thống nhất, hòa bình.

Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/thieng-lieng-tieng-goi-non-song-153105.html
Zalo