Thiên Nam báo lỗ quý I/2025: Doanh thu giảm mạnh, gánh nặng lãi vay bào mòn lợi nhuận

Dù lãi gộp cải thiện trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh, kết quả kinh doanh quý I/2025 của Thiên Nam (TNA) vẫn cho thấy bức tranh tài chính nhiều bất ổn. Lợi nhuận trước thuế tiếp tục âm, lên tới 11,5 tỷ đồng – đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh doanh thu tài chính gần như cạn kiệt, còn chi phí lãi vay ngày càng phình to.

Trong kỳ này, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 41,3 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh, giảm tới 73,6% xuống còn gần 31 tỷ đồng, theo đó, lãi gộp kỳ này đạt 10,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của TNA

Báo cáo tài chính quý I/2025 của TNA

Việc doanh thu sụt giảm mạnh nhưng lãi gộp lại tăng cho thấy doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại danh mục sản phẩm, hoặc tập trung vào các mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, mức giảm tới 67% doanh thu phản ánh rõ tình trạng thu hẹp quy mô kinh doanh, có thể do sức cầu yếu hoặc Thiên Nam đang tái cấu trúc hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng duy trì lợi nhuận sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Doanh thu tài chính giảm mạnh từ 2,4 tỷ đồng xuống còn 286 triệu đồng, trong khi chi phí tài chính tăng lên hơn 11,7 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là lãi vay. Chi phí bán hàng giảm mạnh 73% xuống 1,2 tỷ đồng, ngược lại, chi phí quản lý tăng 68% lên 5,5 tỷ đồng. Lợi nhuận khác kỳ này tăng lỗ từ 893,6 triệu đồng lên 3,9 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay chiếm toàn bộ chi phí tài chính, cho thấy Thiên Nam đang phụ thuộc lớn vào vốn vay để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh doanh thu co hẹp, việc chi trả lãi vay cao tạo ra áp lực lớn lên lợi nhuận. Đồng thời, việc doanh thu tài chính gần như biến mất cũng đồng nghĩa công ty mất đi nguồn thu bổ trợ quan trọng từng giúp bù đắp cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong khi đó, chi phí quản lý gia tăng mạnh gây áp lực lên biên lợi nhuận, đặt câu hỏi về hiệu quả quản trị chi phí nội bộ.

Kết quả, doanh nghiệp lỗ trước thuế 11,5 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức 8,1 tỷ đồng năm trước. Đây là quý thứ 6 liên tiếp công ty ghi nhận thua lỗ, làm xói mòn vốn chủ sở hữu và tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh toán nếu không sớm được cải thiện.

Tính tới cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của TNA đạt 2.058 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, trữ tiền có vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng, giảm 9,4% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn khách hàng ở mức 487,5 tỷ đồng, giảm nhẹ. Hàng tồn kho gần như không biến động, ở mức 1.088 tỷ đồng.

Dòng tiền mặt của công ty đang rất yếu, khi lượng tiền chỉ chiếm chưa tới 0,4% tổng tài sản. Trong khi đó, phải thu và hàng tồn kho chiếm hơn 75% tổng tài sản, gây tắc nghẽn dòng tiền hoạt động. Nếu hàng tồn kho và công nợ khách hàng không được xoay vòng hiệu quả, Thiên Nam có nguy cơ mất cân đối thanh khoản, đặc biệt khi đối mặt với nghĩa vụ tài chính lớn trong ngắn hạn.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả nhích nhẹ lên 1.582 tỷ đồng, trong đó có tới 1.572 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Tổng nợ vay ở mức 506,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm 4,8% xuống 476,6 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu ở mức 495,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm lũy kế 37,2 tỷ đồng.

Cơ cấu tài chính hiện tại của Thiên Nam rất mất cân đối, khi nợ ngắn hạn chiếm gần toàn bộ nợ phải trả, còn vốn chủ sở hữu sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế lũy kế đang âm, kéo vốn thực tế thấp hơn cả vốn góp. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng bảo toàn vốn của cổ đông và rủi ro mất khả năng thanh toán nếu các chủ nợ đồng loạt yêu cầu thanh lý khoản vay.

Trong quý I, Thiên Nam có các giao dịch phát sinh với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Hòa: Chi tạm ứng chi phí dự án gần 5 tỷ đồng; hoàn trả tiền mượn 8 tỷ đồng; phải thu khác 1,7 tỷ đồng; phải trả khác với ông Hòa 33,7 tỷ đồng.

Với công ty liên kết Công ty CP PT KD TM Sài Gòn 168: bán hàng hóa 28,6 tỷ đồng; thu tiền bán hàng 62,7 tỷ đồng; hoàn trả tiền mượn 11 tỷ đồng; người mua trả tiền trước 80 tỷ đồng.

Thu nhập của các thành viên quản lý chủ chốt kỳ này tăng 104% lên 384,6 triệu đồng, trong đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa có thu nhập 173 triệu đồng (khoảng 57,7 triệu đồng/tháng), Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Thư 119 triệu đồng (gần 40 triệu đồng/tháng), Kế toán trưởng Lê Thị Thanh Thảo 92,6 triệu đồng (gần 31 triệu đồng/tháng).

Cổ phiếu TNA đã bị đình chỉ giao dịch. Cổ phiếu TNA bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/10/2024, do tổ chức niêm yết chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện BCTC này; ngoài ra, cổ phiếu TNA còn bị đưa vào diện cảnh báo do BCTC kiểm toán năm 2022 nhận ý kiến ngoại trừ.

HOSE cho biết kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Công ty vẫn chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Công ty nhận được quyết định của Chi cục Thuế Quận 10, TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Cụ thể, TNA nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế với tổng số tiền 411,1 triệu đồng. Công ty cho biết đã khắc phục nộp số tiền thuế trong ngày 08/10/2024.

Cổ phiếu TNA của Thiên Nam được niêm yết trên HOSE từ tháng 7/2005 với vốn điều lệ 13 tỷ đồng. Đến nay (hơn 19 năm), Công ty có vốn điều lệ gần 496 tỷ đồng, tương đương gần 49,6 triệu cp.

Ong Lý

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/thien-nam-bao-lo-quy-i2025-doanh-thu-giam-manh-ganh-nang-lai-vay-bao-mon-loi-nhuan-141865.html
Zalo