Thị trường việc làm thay đổi nhanh, sinh viên mới ra trường cần chịu áp lực tốt hơn

Theo đại diện một số doanh nghiệp, đa phần sinh viên mới ra trường hiện đang thiếu kỹ năng mềm, khả năng chịu áp lực kém và thiếu kinh nghiệm thực tiễn, khiến họ khó đáp ứng yêu cầu của công ty, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Chương trình “Kết nối doanh nghiệp - Open Business Matching 2025” do Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức vào ngày 25-5. Ảnh: M.C

Chương trình “Kết nối doanh nghiệp - Open Business Matching 2025” do Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức vào ngày 25-5. Ảnh: M.C

Ngày 25-5, Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức chương trình “Kết nối doanh nghiệp - Open business matching 2025”. Trong khuôn khổ chương trình, nhà trường đã tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò của doanh nghiệp trong công tác đào tạo và hướng nghiệp - việc làm cho sinh viên trong kỷ nguyên số’. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay.

Doanh nghiệp cần nhân lực có tính ứng dụng cao

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đã có những chia sẻ đáng chú ý về thực trạng đào tạo nhân lực hiện nay.

Theo ông Minh, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự thiếu tính ứng dụng trong chương trình giảng dạy tại các trường đại học. Nhiều trường đã bắt đầu triển khai ngành công nghệ tài chính (Fintech). Tuy nhiên, việc giảng dạy chủ yếu vẫn dừng lại ở lý thuyết, thiếu đi sự kết nối với thực tiễn công việc. Điều này khiến sinh viên ra trường khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.

Ông Minh cho biết trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh như hiện nay, đặc biệt là ở các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, doanh nghiệp không còn tìm kiếm những nhân sự "thuần" về một chuyên môn (nghĩa là chỉ giỏi tài chính hoặc lập trình), mà phải có khả năng bao quát và vận dụng linh hoạt cả hai mới là nhân sự được săn đón.

Một thực trạng đáng lo ngại khác, theo ông Minh là khả năng chịu áp lực và kỹ năng mềm của đa phần sinh viên hiện nay rất yếu. Nguyên nhân là do sinh viên ít được tiếp xúc với thực tế, ít va chạm và ít phải đối mặt với thử thách.

Điều này dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa năng lực của sinh viên mới tốt nghiệp và yêu cầu thực tế từ các doanh nghiệp. Nhiều bạn trẻ dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các công ty lớn, đặc biệt trong lĩnh vực Fintech, nơi mọi thứ thay đổi rất nhanh và đòi hỏi sự thích nghi cao.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưởng, đại diện Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đông Sài Gòn, hiện phần lớn chương trình đào tạo tại các trường đại học vẫn còn nặng về lý thuyết, trong khi sinh viên lại thiếu cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Do đó, khi bước vào môi trường doanh nghiệp, nhiều sinh viên lúng túng, thiếu kỹ năng mềm và gặp khó khăn trong việc thích nghi.

Đại diện một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu hóa chi phí và tăng hiệu quả vận hành. Vì vậy, họ ưu tiên tuyển dụng những người có thể "nhảy vào việc ngay lập tức", không phải mất nhiều thời gian đào tạo lại. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực phải có tính ứng dụng cao, có thể xử lý tình huống thực tế, đưa ra giải pháp và triển khai công việc một cách hiệu quả.

Theo đại diện các doanh nghiệp, sinh viên không chỉ cần trang bị cho bản thân kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn kỹ năng sống để ứng xử tốt trong công việc. Ảnh minh họa: OU

Theo đại diện các doanh nghiệp, sinh viên không chỉ cần trang bị cho bản thân kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn kỹ năng sống để ứng xử tốt trong công việc. Ảnh minh họa: OU

Nên ‘va chạm’ sớm với môi trường làm việc

Để kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống cho sinh viên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng các trường đại học cần tái cấu trúc chương trình đào tạo, trong đó chú trọng đưa sinh viên tiếp cận sớm với thực tế doanh nghiệp. Một trong những cách hiệu quả nhất là cho sinh viên đi thực tập ngay từ năm nhất, đặc biệt là trong những kỳ nghỉ hè - thời điểm lý tưởng để sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế.

Tại nhiều nước trên thế giới, sinh viên thường được khuyến khích tham gia các kỳ thực tập ngay từ năm đầu tiên. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ ngành nghề đang theo đuổi mà còn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý áp lực công việc.

Ông Minh cũng cho rằng các trường nên chủ động kết nối với doanh nghiệp để tổ chức các dự án nghiên cứu, hội thảo hoặc mô hình lớp học - doanh nghiệp. Đây là cơ hội để sinh viên được tiếp cận các vấn đề thực tế, từ đó hiểu rõ hơn về thị trường lao động, xu hướng ngành nghề, và cách áp dụng kiến thức vào thực tế.

Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Hưởng, đại diện Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đông Sài Gòn, cũng đề xuất các trường đại học có thể triển khai những chương trình mô phỏng môi trường làm việc thực tế dành cho sinh viên. Bởi đây là hình thức đào tạo rất hữu ích, giúp sinh viên có góc nhìn rõ ràng hơn về công việc sau khi ra trường, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Cùng với đó là giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ và chuyển đổi số.

Theo Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM, trong chiến lược phát triển giáo dục bền vững, vai trò của việc gắn kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp luôn được nhà trường quan tâm để giúp sinh viên có những trải nghiệm với thực tiễn. Trong thời gian tới, Trường Đại học Mở TPHCM sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị nhằm hỗ trợ nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, những hoạt động ngoại khóa để đem lại nhiều giá trị cho người học.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-viec-lam-thay-doi-nhanh-sinh-vien-moi-ra-truong-can-chiu-ap-luc-tot-hon/
Zalo