Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc trong quý đầu năm 2025

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi đầu năm 2025 với những tín hiệu tích cực, khi giá trị phát hành tăng nhẹ so với cùng kỳ và kênh phát hành ra công chúng chiếm ưu thế.

Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng dẫn sóng phát hành

Trong quý đầu tiên của năm 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt từ kênh phát hành ra công chúng.

Theo thống kê của S&I Ratings, đã có tổng cộng 13 đợt phát hành với tổng giá trị đạt 25.100 tỷ đồng, trong đó phát hành ra công chúng chiếm ưu thế với 11 đợt trị giá 23.100 tỷ đồng, còn lại là hai đợt phát hành riêng lẻ trị giá 2.000 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị phát hành đã tăng nhẹ 4,7%, cho thấy thị trường đang dần hồi phục sau giai đoạn trầm lắng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh áp lực đáo hạn vẫn hiện hữu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu dòng vốn bằng cách kéo dài kỳ hạn trái phiếu, với tổng giá trị lên đến gần 28.000 tỷ đồng trong quý IV/2024 và quý I/2025. Động thái này không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì nguồn vốn mà còn hạn chế phát hành mới.

Ở chiều ngược lại, các tổ chức phát hành đã mua lại tổng cộng 26.900 tỷ đồng trái phiếu, trong khi giá trị đáo hạn trong quý I ở mức 17.200 tỷ dồng. Tính đến cuối quý I, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 24.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024, tương đương khoảng 11% GDP.

Cơ cấu thị trường tiếp tục duy trì sự chi phối của hai nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản, lần lượt chiếm 49,4% và 33,7% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành.

Trong quý I, giá trị phát hành qua công chúng kênh ghi nhận mức cao kỷ lục, tương đương tới 77% tổng giá trị phát hành ra công chúng của cả năm 2024. Ngược lại, phát hành riêng lẻ lại trở nên trầm lắng, tỷ trọng phát hành công chúng chiếm tới 92% tổng giá trị phát hành trong quý.

Cũng trong quý I, hoạt động phát hành trái phiếu tập trung chủ yếu ở khối ngân hàng và công ty chứng khoán, chiếm toàn bộ tổng giá trị phát hành trong kỳ, trong đó riêng nhóm ngân hàng đóng góp 76,9%.

So với cùng kỳ năm trước, cơ cấu phát hành có sự thay đổi đáng kể khi nhóm tài chính khi đó chỉ chiếm 23,1%, trong khi nhóm bất động sản chiếm tới 58,4% tổng giá trị phát hành.

Tái cấu trúc để ổn định hơn

Năm 2025, thị trường trái phiếu được dự báo sẽ ghi nhận sự gia tăng đáng kể về khối lượng đáo hạn, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong quý I, quy mô đáo hạn ở mức tương đối nhẹ nhàng với khoảng 17.200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản (48%) và sản xuất (33%).

Theo ước tính của S&I Ratings, tổng giá trị đáo hạn cả năm có thể vượt 200.000 tỷ đồng, tập trung nhiều trong quý III và quý IV (lần lượt là 91.200 tỷ đồng và 77.600 tỷ đồng). Trong đó, khoảng 26.500 tỷ đồng là các trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn từ trước.

Riêng nhóm bất động sản dự kiến chiếm khoảng một nửa tổng giá trị đáo hạn trong 3 quý cuối năm, tương ứng 103.900 tỷ đồng, cao điểm vào quý III (57.500 tỷ đồng). Dù vẫn ghi nhận một số trái phiếu chậm thanh toán trong quý I/2025 ở nhóm bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện thị trường.

Bên cạnh đó, việc chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên mức cao kể từ năm 2018 cũng cho thấy nỗ lực huy động nguồn lực để đảm bảo duy trì hoạt động và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi phía trước. Trong bối cảnh đó, hoạt động phát hành trái phiếu được kỳ vọng sẽ trở nên sôi động hơn trong các quý tới, hỗ trợ thanh khoản và tạo thêm dư địa tăng trưởng.

Về mặt chính sách, Chính phủ đang xem xét điều chỉnh Luật Doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ. Dự thảo đề xuất giới hạn tỷ lệ nợ phải trả bao gồm cả phần trái phiếu dự kiến phát hành ở mức tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, quy định này vẫn đảm bảo sự linh hoạt cần thiết khi loại trừ một số tổ chức phát hành đặc thù như doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán hay doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho dự án bất động sản, nhằm tránh chồng chéo với các quy định chuyên ngành.

“Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao tiêu chuẩn minh bạch sẽ góp phần kiểm soát chất lượng phát hành, đồng thời tạo nền tảng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững trong trung và dài hạn” - các chuyên gia từ S&I Ratings đánh giá./.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-khoi-sac-trong-quy-dau-nam-2025-175851.html
Zalo