Thủ tướng: Đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trên tinh thần hài hòa lợi ích cả hai bên

Chiều 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình thương mại trong bối cảnh mới và tình hình đàm phán thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng với các chỉ đạo, điều hành thường xuyên liên quan thích ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, đây là lần thứ 7 Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp riêng về việc triển khai các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về thích ứng với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thời gian qua, phía Việt Nam đã rất tích cực, thiện chí cử đại diện sang Hoa Kỳ và có nhiều hình thức làm việc với phía Hoa Kỳ nhằm phát triển thương mại cân bằng, bền vững; giải quyết các vấn đề Hoa Kỳ quan tâm; tăng cường nhập khẩu các mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản... nhằm đảm bảo cân bằng thương mại bền vững; xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, bản quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Đến thời điểm này, phía Hoa Kỳ đã đưa ra lịch trình đàm phán cụ thể, cho thấy thiện chí, theo cam kết trong tiếp xúc cấp cao và các cuộc làm việc, tiếp xúc sau đó giữa hai bên.

Sau khi nghe báo cáo tình hình và ý kiến về các giải pháp thích ứng với tình hình cũng như công tác chuẩn bị và đàm phán với Hoa Kỳ, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành, cơ quan đã tích cực, chủ động, thực hiện tốt, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thích ứng tình hình, cũng như đàm phán tích cực với phía Hoa Kỳ và có những tiến triển tích cực.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ; chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, nhất là các lợi ích cốt lõi; đồng thời đáp ứng các yêu cầu phù hợp của phía Hoa Kỳ; hướng tới thương mại cân bằng, bền vững; bảo đảm các nội dung đàm phán với Hoa Kỳ không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chỉ đạo, trong quá trình đàm phán cần căn cứ tình hình, diễn biến cụ thể để điều chỉnh lịch trình phù hợp cho cả 2 bên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, tích cực, chủ động; bám sát tình hình, xem xét tổng thể, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm; vừa nghiên cứu, vừa tham khảo kết quả các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với các đối tác khác. Trong quá trình đàm phán cần xem xét kỹ lưỡng, tích cực, kịp thời phản hồi các đề xuất của phía Hoa Kỳ; với tinh thần xây dựng, lắng nghe, chú ý các quyền và lợi ích hợp pháp các bên.

Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị kỹ các nội dung đàm phán; căn cứ yêu cầu của Việt Nam và đề xuất của Hoa Kỳ, căn cứ kết quả nghiên cứu, các điều kiện cụ thể của Việt Nam và bảo đảm các cam kết quốc tế để đưa ra phương án đàm phán phù hợp, thể hiện tinh thần xây dựng, thiện chí và đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ, trên tinh thần hữu nghị nhưng rành mạch, rõ ràng, quan điểm dứt khoát.

Cùng với đàm phán, các bộ, ngành kịp thời xử lý các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm; tiếp tục tăng cường nhập khẩu các thiết bị, mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để từng bước cân bằng thương mại bền vững; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, các vấn đề mà phía Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm liên quan vấn đề thuế VAT, các dự án đầu tư tại Việt Nam, trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Cùng với đó khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, tạo điều kiện nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao của Hoa Kỳ và thể hiện thiện chí của Việt Nam; nghiên cứu, trao đổi về thỏa thuận liên quan các dòng thuế để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng hai nước và thúc đẩy thương mại cân bằng bền vững, lâu dài giữa hai bên, tạo điều kiện cho các mặt hàng của Hoa Kỳ, nhất là mặt hàng công nghệ cao, vào Việt Nam, cũng như các mặt hàng trong các ngành sử dụng nhiều lao động và có thế mạnh của Việt Nam vào Hoa Kỳ, qua đó bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần phát triển công nghiệp của Việt Nam...

Trước đó, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng trên phạm vi rộng nên có tác động đến tình hình thương mại toàn cầu, không riêng gì Việt Nam và ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam cũng có quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới. Do đó, đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại chuỗi cung ứng; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng tính tự lực, tự cường…

Cùng với đàm phán với Hoa Kỳ, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cũng chủ động thích ứng với những thách thức với tình hình thương mại toàn cầu trong bối cảnh mới. Trong đó, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; chủ động thúc đẩy thương mại với các đối tác lớn; khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết; thúc đẩy các FTA mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới; bảo đảm khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; thường xuyên trao đổi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-dam-phan-thuong-mai-voi-hoa-ky-tren-tinh-than-hai-hoa-loi-ich-ca-hai-ben-20250506195414396.htm
Zalo