Hơn 20 nhà băng tham gia gói tín dụng ưu đãi nửa triệu tỷ đồng

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ một số thông tin về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng và công nghệ số.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói 500.000 tỷ đồng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3, theo hướng triển khai cho 2 đối tượng là hạ tầng và công nghệ số.

"Đây là một trong những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, thể hiện sự đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực cho 2 lĩnh vực được xem là chủ chốt, điều kiện quan trọng để tiến tới phát triển bền vững. Theo đó, chúng tôi đã triển khai ngay trong tháng 4. Hiện có 21 ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký tham gia, tổng vốn đăng ký đạt 500.000 tỷ đồng, với các quy mô cam kết khác nhau", Phó Thống đốc chia sẻ.

Cụ thể, 4 NHTM Nhà nước đăng ký mỗi NH là 60.000 tỷ đồng; 12 NHTM quy mô lớn đăng ký mỗi NH là 20.000 tỷ đồng; 5 NHTM tư nhân quy mô nhỏ hơn đăng ký 4.000 tỷ đồng mỗi NH.

Thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm. Ưu đãi tối thiểu là 1% lãi suất so với lãi suất thông thường bình quân hiện nay của các NHTM đang cho vay.

Gói tín dụng này dùng hoàn toàn từ nguồn lực của các NHTM, không dùng ngân sách Nhà nước hay từ nước ngoài. Các NHTM sẽ nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay, đặc biệt là cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Bên cạnh đó, do các dự án hạ tầng có quy mô lớn, cần nguồn vốn lớn, nên các NHTM sẽ phải đồng tài trợ, vì một ngân hàng không thể đơn lẻ đảm đương được. Hiện nay có rất nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn quốc gia và nhiều dự án khác cũng đang cần nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, so với các gói tín dụng khác, gói này có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, đã là cho vay ưu đãi thì cần xác định rõ đối tượng hưởng ưu đãi. Trong lĩnh vực hạ tầng, có hàng nghìn dự án, nên cần chỉ rõ lĩnh vực, dự án nào cần ưu tiên thì để có sự phối hợp và tập trung nguồn lực hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, cần xác định rõ hơn thành phần, đối tượng được hưởng ưu đãi.

Thứ hai, cho vay đầu tư hạ tầng thường có thời hạn rất dài, ít nhất là 5-10 năm, trong khi các NHTM hiện nay chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, cần cơ cấu, tính toán để đảm bảo kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Do vậy, theo NHNN, cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này.

NHNN đã làm việc trực tiếp với các bộ liên quan và có văn bản gửi các bộ đề nghị xác định rõ hơn để các NHTM cũng cân đối nguồn vốn (huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn), đồng thời đảm bảo đúng đối tượng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

“Toàn bộ nội dung này đã và đang được NHNN triển khai từ tháng 4, và chắc chắn trong tháng 5 này chúng tôi sẽ đẩy mạnh để sớm thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ”, ông Đào Minh Tú thông tin thêm.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hon-20-nha-bang-tham-gia-goi-tin-dung-uu-dai-nua-trieu-ty-dong-post122545.html
Zalo