Thị trường toàn cầu lao đao vì thuế quan của Tổng thống Donald Trump

Cú sập 6.600 tỷ USD của phố Wall mở màn chuỗi phản ứng dây chuyền, đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy bất định.

Thế giới tài chính vừa trải qua một cú sốc lớn khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm chưa từng có, xuất phát từ các chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump. Những chính sách này đã tạo ra các rào cản kinh tế giữa Mỹ và các đối tác thương mại toàn cầu, gây nên làn sóng lo ngại về một cuộc chiến thương mại quy mô lớn.

 Hình minh họa ảnh hưởng thuế quan Mỹ đến hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Shutterstock

Hình minh họa ảnh hưởng thuế quan Mỹ đến hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Shutterstock

Theo tờ The Wall Street Journal, chỉ trong vòng hai ngày, thị trường chứng khoán Mỹ đã bốc hơi khoảng 6.600 tỷ USD giá trị vốn hóa. Reuters cũng ghi nhận riêng chỉ số S&P 500 đã mất khoảng 5.000 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Ngày 4/4, chỉ số Dow Jones giảm mạnh 5,5%, đánh dấu hai phiên giao dịch mất hơn 4.000 điểm, trong đó có phiên sụt tới 2.200 điểm mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ năm 2020. S&P 500 giảm gần 6%; còn Nasdaq, vốn tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ lại lao dốc 5,8%, chính thức rơi vào vùng thị trường giá xuống (bear market).

Tác động tiêu cực lan rộng khắp toàn cầu: chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đều ghi nhận mức giảm sâu. Giá dầu cũng tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, trong khi giá đồng giảm mạnh, phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn về tăng trưởng toàn cầu. Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 2,8%.

Tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán ghi nhận thiệt hại nặng, với giá trị vốn hóa "bốc hơi" khoảng 9.000 tỷ rupee. Chỉ số BSE Sensex đóng cửa ở mức 75.364,69 điểm, giảm 930,67 điểm (tương đương 1,22%). Chỉ số Nifty 50 trên sàn NSE cũng mất 345,65 điểm (1,49%), kết thúc ở 22.904,45 điểm.

Trung Quốc đáp trả, căng thẳng thương mại leo thang

Trung Quốc – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump – đã nhanh chóng phản ứng bằng loạt biện pháp đáp trả cứng rắn. Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/4. Cùng với đó, Trung Quốc đang chuẩn bị nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và dừng xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu quan trọng trong ngành điện tử và y tế.

Trong khi đó, các đối tác thương mại chủ chốt khác của Mỹ vẫn đang cân nhắc cách phản ứng. Liên minh châu Âu (EU), hiện đối mặt với mức thuế 20%, tuyên bố sẽ có biện pháp "điềm tĩnh và thống nhất". Nhật Bản, nơi đang chịu thuế suất 24%, kêu gọi kiềm chế. Thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh cần có phản ứng "bình tĩnh và có lý trí".

Tổng thống quyền lực của Hàn Quốc kêu gọi mở các cuộc đàm phán khẩn cấp với Washington. Còn Bangladesh cho biết sẽ gửi đơn kiến nghị chính thức tới Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để phản đối mức thuế 37% áp lên hàng hóa xuất khẩu nước này mà họ cho là "thiếu công bằng".

Ấn Độ hiện đang trong quá trình đàm phán thương mại song phương với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các doanh nghiệp xuất khẩu nước này vẫn đang chờ đợi xem liệu các cuộc thảo luận có thể mang lại sự nhượng bộ nào hay không.

Lo ngại suy thoái tại Mỹ gia tăng

Ngân hàng JPMorgan Chase & Co cảnh báo nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do tác động từ chính sách thuế mới. Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này nhận định, chi phí nhập khẩu tăng cao cùng với các biện pháp đáp trả từ các đối tác thương mại sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Goldman Sachs: Nhà đầu tư đang "án binh bất động"

Dù thị trường đầy biến động, không phải nhà đầu tư nào cũng vội vàng rút lui. Bà Elizabeth Burton - chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Goldman Sachs Asset Management, cho biết phần lớn khách hàng vẫn giữ thái độ "chờ và quan sát" thay vì tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi, nhưng thực tế chưa có nhiều dòng vốn bị rút ra”, bà Burton nói với Business Insider, cho thấy niềm tin dài hạn vào sự phục hồi của thị trường Mỹ vẫn tồn tại.

Tuy vậy, trong bối cảnh các thị trường quốc tế đang có diễn biến khả quan hơn so với chứng khoán Mỹ trong năm 2025, giới đầu tư toàn cầu đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược.

Bà Burton thừa nhận có một bộ phận nhà đầu tư vẫn tin Mỹ sẽ vượt qua khó khăn, nhưng cũng không ít người lo ngại rằng cuộc chiến thương mại kéo dài có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện kinh tế toàn cầu.

Việt Hà (Theo Business Standard)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-toan-cau-lao-dao-vi-thue-quan-cua-tong-thong-donald-trump-post341636.html
Zalo