Thị trường thận trọng với tiến trình đàm phán thuế quan, khối ngoại quay đầu bán ròng
Sáng nay lan truyền các nội dung sơ bộ không chính thức của phiên họp đầu tiên về vấn đề thuế quan khiến thị trường thận trọng đáng kể. Bất chấp cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VIC tăng ấn tượng, VN-Index vẫn trồi sụt và tăng rất ít trên nền thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng mạnh trở lại...

Cổ phiếu VIC tăng nổi bật trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index.
Sáng nay lan truyền các nội dung sơ bộ không chính thức của phiên họp đầu tiên về vấn đề thuế quan khiến thị trường thận trọng đáng kể. Bất chấp cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VIC tăng ấn tượng, VN-Index vẫn trồi sụt và tăng rất ít trên nền thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng mạnh trở lại.
VN-Index vận động tốt trong khoảng nửa đầu phiên, đạt đỉnh lúc hơn 10h, tăng 9,23 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên sau đó là nhịp trượt dốc và kết phiên chỉ còn tăng 5,29 điểm tương đương +0,42%. Độ rộng tại đỉnh chỉ số ghi nhận 187 mã tăng/85 mã giảm và cuối phiên còn 158 mã tăng/128 mã giảm.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE cũng giảm khoảng 5% so với sáng hôm qua, đạt 6.826,7 tỷ đồng. Tính chung cả HNX, giao dịch giảm hơn 4%, đạt 7.297,4 tỷ đồng. Nếu so với tuần trước kỳ nghỉ 30/4, mức thanh khoản phiên sáng như vậy vẫn là khá thấp (khoảng 8.879 tỷ đồng/phiên).
Dù vậy thị trường vẫn có các cổ phiếu tăng giá tốt với giao dịch khá sôi động. Đây là những mã cá biệt hơn là một xu hướng lớn. Trong nhóm blue-chips, VIC có một phiên sáng bùng nổ khi tăng 5,04% với thanh khoản dẫn đầu, đạt 299,2 tỷ đồng. Đây là phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp của VIC sau khi lên 4,11% hôm qua, đồng thời là nhịp tăng 8 phiên gần như liên tục đưa giá cổ phiếu này vượt qua đỉnh cao tháng 4/2025 và tháng 8/2023, lên mức cao nhất kể từ 6/2022. VIC cũng là blue-chips hiếm hoi được khối ngoại mua tích cực sáng nay, chiếm khoảng 37,4% tổng khối lượng khớp và giá trị ròng tương ứng +91 tỷ đồng.
Rổ VN30 nói chung vẫn chỉ đang giằng co, chỉ số đại diện rổ tăng nhẹ 0,39% với 14 mã tăng/12 mã giảm. Ngoài VIC, GVR tăng 6,44%, BCM tăng 2,63%, LPB tăng 2,48%, PLX tăng 1,19% là các mã duy nhất còn lại đáng chú ý. Tiếc rằng GVR cũng chỉ đứng 14 trong nhóm vốn hóa hàng đầu. LPN, PLX, BCM càng nhỏ hơn. Sức ảnh hưởng của VIC và GVR chiếm tới 4,9 điểm trong tổng mức tăng 5,29 điểm của VN-Index.
Ở phía giảm, cũng không có nhiều blue-chips bị bán mạnh. MWG yếu nhất, giảm 1,66%, VJC giảm 1,24%, BVH giảm 1,12% cũng đều là các mã khá nhỏ. Trong top 10 vốn hóa của VN-Index chỉ có 3 mã xanh và 4 mã đỏ. GAS và MBB là hai mã còn lại tăng thì biên độ không mạnh và nhóm giảm cũng không mã nào tới 1%, kém nhất là FPT giảm 0,64%.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE cũng vậy, độ rộng nhỉnh hơn ở phía tăng nhưng cũng không nhiều cổ phiếu xuất sắc. Tròn 70 mã đang tăng hơn 1% thì tập trung chủ yếu vào nhóm vốn hóa trung bình. Đáng kể nhất là HHS kịch trần với thanh khoản khoảng 166,5 tỷ đồng. TCH, EVF, NLG, BSR, SZC, DPM, TCM, PHR, SBT là những mã khớp được tương đối nổi bật so với phần còn lại. Tính chung thanh khoản nhóm 70 mã mạnh nhất này chỉ chiếm 23,3% tổng giao dịch sàn HoSE.

Các cổ phiếu giảm giá với thanh khoản cao hiện chỉ đáng chú ý với MWG và NVL, giao dịch trên trăm tỷ đồng. MWG giảm 1,66% với sức ép khá mạnh từ khối ngoại. Lượng bán của nhà đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ 30% thanh khoản, tương ứng 61,8 tỷ đồng ròng. NVL giảm 1,98% và hầu như giao dịch áp đảo từ nhà đầu tư trong nước. Trong 128 mã đang đỏ của VN-Index chỉ 58 mã giảm hơn 1%, chiếm 13,6% thanh khoản sàn.
Như vậy thị trường dù tăng điểm nhưng về cơ bản trạng thái giằng co vẫn là chủ đạo. Sức ảnh hưởng của VIC đang rất rõ nét và chừng nào các trụ còn lại không biến động nhiều, VN-Index vẫn có thể được cổ phiếu này đẩy lên. Thực tế sáng nay hầu hết blue-chips trong nhóm VN30 đã chịu sức ép nhất định và giá trượt giảm nhẹ so với mức cao nhất đầu ngày. VIC cũng đã tụt xuống khoảng 0,52% so với đỉnh. Số khác như FPT, LPB, MWG, SHB, SSI, VCB bị ép xuống rõ rệt, đều để mất hơn 1% và một số đảo chiều sang giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài sau phiên mua ròng hào hứng hôm qua đã quay lại trạng thái bán ròng. Quy mô mua vào ở HoSE sáng nay giảm tới 28% so với sáng hôm qua chỉ còn 855 tỷ đồng. Mức bán ròng đạt 475,4 tỷ trong khi sáng qua mua ròng 366,9 tỷ. Phía bán ròng ngoài MWG có VHM -128 tỷ, FPT -91,1 tỷ, SSI -58,9 tỷ, VPB -45,6 tỷ, VRE -32,5 tỷ. Phía mua ròng ngoài VIC có MBB +30,6 tỷ, HPG +26,8 tỷ, DXG +25,3 tỷ, GVR +22 tỷ.