Thị trường tài chính 24h: Giao dịch chứng khoán thêm một phiên nhạt nhòa
VN-Index gần như không đổi; Rút 'bệ đỡ' nợ xấu!; Cổ phiếu đầu tư công không như kỳ vọng Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp tín dụng, quyết đạt tăng trưởng tín dụng 15%; Fed dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 28/11 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 82,90 – 85,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 3,1 USD lên 2.636,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên 2.645 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,35 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.271 đồng/USD, giảm 24 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.175 – 25.484 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm 94.000 USD lên 95.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã hạ nhiệt và lùi về 95.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,09 USD (-0,13%), xuống 68,63 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 72,80 USD/thùng.
VN-Index gần như không đổi
Thêm một phiên giao dịch ảm đạm và thiếu điểm nhấn của thị trường, khi mức độ phân hóa cao, nhưng biên độ giá các nhóm cổ phiếu hầu hết chỉ ở mức thấp. Trong khi thanh khoản tiếp tục suy yếu, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng điểm không đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch 28/11: VN-Index tăng 0,14 điểm (+0,01%), lên 1.242,11 điểm; HNX-Index tăng 0,47 điểm (+0,21%), lên 223,57 điểm; UpCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,42%), lên 92,35 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (27/11), khi các nhà đầu tư tập trung vào động thái tiếp theo của Fed sau khi chỉ số lạm phát được công bố.
Dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã tăng 0,2% trong tháng 10 so với tháng trước và 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tiến trình giảm lạm phát dường như đã bị đình trệ.
Kết thúc phiên 27/11: Chỉ số Dow Jones giảm 138,25 điểm (-0,31%), xuống 44.722,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,89 điểm (-0,38%), xuống 5.998,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 115,10 điểm (-0,60%), xuống 19.060,48 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp khiến lực cầu bắt đáy gia tăng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,56% lên 38.349,06 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,82% lên 2.687,28 điểm.
Lực mua tích cực tới mức đồng yên tăng cũng không làm những cổ phiếu xuất khẩu yếu đi, trái lại một số còn tăng tích cực như cổ phiếu Toyota tăng 1,4%, Honda Motor tăng 0,5%.
Trong khi đó, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 6,7% để trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trên Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm, bị đè nặng bởi tâm lý trầm lắng khi các nhà đầu tư lo ngại sự leo thang của cuộc chiến thương mại với Mỹ và lệnh cấm bán chip siết chặt hơn.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,43% xuống 3.295,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,88% xuống 3.872,55 điểm.
Cổ phiếu ô tô dẫn đầu đà giảm sau khi báo cáo phương tiện truyền thông cho biết BYD và các nhà sản xuất ô tô khác đã thúc đẩy các nhà cung cấp giảm giá, báo hiệu rằng một cuộc chiến giá tàn khốc trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới sẽ leo thang.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư tìm kiếm chất xúc tác mới để đảo ngược xu hướng giảm đã khiến chỉ số chuẩn giảm khoảng 15% so với mức cao nhất trong năm nay.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,2% xuống 19.366,96 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,46% xuống 6.924,51 điểm.
Các cổ phiếu lớn nhất trong bộ chỉ số Hang Seng bao gồm Meituan, Alibaba Group Holding và Tencent Holdings đều giảm.
Chứng khoán Hồng Kông đang vật lộn để thoát khỏi tình trạng suy thoái, đã kéo chỉ số giảm 16% so với đỉnh gần nhất vào tháng 10, trong bối cảnh các biện pháp kích thích tài khóa không mấy ấn tượng của Trung Quốc và các kế hoạch áp thuế quan mới của Donald Trump.
Chứng khoán Hàn Quốc giằng co nhẹ và đóng cửa tăng không đáng kể trong ngày ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,61 điểm, tương đương 0,06% lên 2.504,67 điểm.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã có quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% xuống còn 3%.
Mặc dù vậy, BOK đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP xuống 2,2% cho năm 2024, giảm so với dự báo 2,4% vào tháng 8. Triển vọng tăng trưởng cả năm 2025 đã được cắt giảm từ 2,1% xuống còn 1,9%.
Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 214,09 điểm (+0,56%), lên 38.349,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,08 điểm (-0,43%), xuống 3.295,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 236,17 điểm (-1,20%), xuống 19.366,96 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 1,61 điểm (+0,06%), lên 2.504,67 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Rút "bệ đỡ" nợ xấu!
Đến cuối năm nay, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực, trong khi bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng trong quý III/2024 đang tiềm ẩn nhiều thách thức..>> Chi tiết
- Cổ phiếu đầu tư công không như kỳ vọng
Được đánh giá có triển vọng tích cực nhờ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy, nhưng nhóm cổ phiếu đầu tư công có diễn biến “lình xình” kéo dài, thậm chí giảm mạnh hơn thị trường..>> Chi tiết
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp tín dụng, quyết đạt tăng trưởng tín dụng 15%
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024..>> Chi tiết
- Fed dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Ngày 27/11, theo biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các quan chức Fed bày tỏ sự tin tưởng vào việc lạm phát đang dần giảm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhưng với tốc độ chậm và thận trọng..>> Chi tiết