Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phải dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là 'thừa' và 'hình thức', sẽ làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, tăng chi phí giá thành sản phẩm không cần thiết.

Sửa đổi để không làm khó doanh nghiệp

Tại khoản 1 Điều 48 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện đang quy định cho phép doanh nghiệp tự đánh giá hợp quy. Song, theo ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc đánh giá này vẫn phải dựa trên kết quả thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm được công nhận, thừa nhận hoặc chỉ định.

 ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Và thực tế đã nảy sinh trường hợp một số loại hàng hóa vẫn có quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, nhưng rủi ro lại xảy ra tình trạng mất an toàn và hiện nay cũng đã giảm thiểu tối đa nhờ các biện pháp quản lý khác. Khi đó áp dụng dài trong nhiều năm thông qua thủ tục hợp quy và giám sát trong quá trình lưu thông và sản phẩm, hàng hóa đó không bị phát hiện vi phạm quy chuẩn kỹ thuật hoặc tỷ lệ vi phạm rất thấp và rơi vào nội dung là không gây hại. Những trường hợp này nếu như tiếp tục duy trì quy định phải tiền kiểm sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông cũng sẽ gây tốn kém chi phí xã hội không cần thiết, sẽ làm chậm quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp và làm tăng thủ tục hành chính.

Nêu thực tế trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về cơ chế hậu kiểm, nhằm xác định sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tạo sự linh hoạt cho các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm cân bằng giữa chi phí xã hội để giám sát.

Cũng quan tâm đến quy định tại Điều 48 dự thảo Luật, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu thực tế, theo phản ánh của một số doanh nghiệp và hiệp hội cho thấy, các sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật đã được sản xuất trong các nhà máy có cơ sở vật chất và quy trình sản xuất được các cơ quan chức năng đánh giá, công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế, nhưng vẫn phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm mới được phép lưu hành.

 ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Như vậy, theo đại biểu Thái Thị An Chung, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là "thừa" và "hình thức". Bởi, để công bố hợp quy sản phẩm, các tổ chức được chỉ định lại đến các nhà máy đánh giá cơ sở, quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm, có nghĩa là lặp lại các công việc của tổ chức đã đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, việc quyết định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố khi lưu hành đã buộc 100% các lô hàng hóa, sản xuất, nhập khẩu chỉ hoàn thành thủ tục thông quan và được phép lưu hành khi có kết quả công bố hợp quy. Điều này đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tốn kém thêm nhiều chi phí cho thời gian chờ làm thủ tục và các chi phí lưu kho, lưu bãi... Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Chính phủ nên tổng kết, đánh giá thêm về việc thực hiện các quy định tại Điều 48 và lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, cử tri doanh nghiệp đề xuất bỏ hai loại sản phẩm là thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ra khỏi nhóm đối tượng phải công bố hợp quy. Vì đây là các sản phẩm này thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện phải thông qua thẩm định, đánh giá và cấp phép chứng nhận đủ điều kiện trước khi sản xuất. Do đó, “việc yêu cầu doanh nghiệp phải công bố hợp quy là không cần thiết, thêm thủ tục, trùng lặp và hình thức, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm không cần thiết”, đại biểu Tạ Văn Hạ thẳng thắn.

Bổ sung cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội

Để tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một nguyên tắc tại Điều 6 là “Chính phủ cần có biện pháp để tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ, đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn và quy chuẩn, tránh xảy ra tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích”. Vì trong thực tiễn đã có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất, gây ách tắc đến hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng.

Cho biết những năm gần đây đều xảy ra hiện tượng này, đại biểu nêu ví dụ về sản phẩm keo dán gỗ khi hàng nhập về đến cảng, nhưng bị ách tắc lại do doanh nghiệp không thuê đơn vị nào làm hợp quy. Trường hợp quy chuẩn 5G cũng khiến mặt hàng điện thoại nhập khẩu bị ách tắc, sau đó phải xử lý tình huống là ban hành văn bản lùi thời gian áp dụng.

 ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Và trong khi Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo Luật, thì các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng theo quy định hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra trước thông quan lại phải căn cứ vào kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định, tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa có văn bản nào chỉ định đơn vị chứng nhận hợp quy nên các doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất lúng túng.

Dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ rõ, thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn có những bất cập. Hiện đang có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện nhưng thực tế hầu hết các hoạt động khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng là xây dựng quá chi tiết, quá thừa, chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng khi kết thúc từng giai đoạn, dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ vật liệu sử dụng đã thay đổi hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng.

Để cải thiện tình trạng nêu trên, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, dự thảo Luật cần bổ sung một điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để bảo đảm các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nội dung sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số và giao Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết nội dung điều này.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tieu-chuan-quy-chuan-quoc-gia-phai-de-thuc-hien-chi-phi-tuan-thu-toi-uu-post397743.html
Zalo