Thị trường lao động Bình Dương trong tháng 4-2025: Những tín hiệu tích cực
Trong bối cảnh Bình Dương tiếp tục giữ vai trò là trung tâm công nghiệp, dịch vụ quan trọng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị trường lao động của tỉnh trong tháng 4-2025 ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.
Báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương cho thấy sự sôi động của các hoạt động tư vấn, kết nối việc làm và tổ chức giao dịch lao động. Tuy nhiên, những số liệu cũng phản ánh rõ một số bất cập cần kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường lao động địa phương.
Theo báo cáo tháng 4-2025, tổng nhu cầu tuyển dụng đạt 14.190 chỉ tiêu, trong đó nhóm lao động phổ thông chiếm đến 12.956 vị trí - tương đương 91% tổng số lao động. Số lượng tuyển dụng lao động nữ (9.300 người) cao hơn nam (3.656 người), phản ánh đặc thù ngành nghề tại Bình Dương như: may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm… thường ưu tiên tuyển nữ.
Mặc dù nhóm lao động có chuyên môn đạt hơn 1.200 vị trí nhưng tỷ trọng còn khá thấp, cho thấy thị trường vẫn chưa thực sự chuyển dịch theo hướng thu hút nhân lực chất lượng cao.

Người lao động đến làm thủ tục giải quyết chế độ được kết hợp tư vấn giới thiệu việc làm
Tổng số lượt người được tư vấn và giới thiệu việc làm trong tháng là 15.219 người, trong đó có 3.849 người đã có việc làm, đạt hiệu suất hơn 25%. Đáng chú ý, nhóm người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp được trung tâm hỗ trợ tích cực với 1.164 người tái gia nhập thị trường lao động, góp phần giảm áp lực an sinh xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trong giới thiệu việc làm còn phụ thuộc nhiều vào sự phù hợp giữa yêu cầu của doanh nghiệp và năng lực của người lao động. Vấn đề này tiếp tục là thách thức trung tâm trong quản lý cung – cầu lao động địa phương.
Trong tháng, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm, bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp, thu hút 1.488 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 235 doanh nghiệp tham gia hình thức trực tuyến. Đây là bước tiến trong số hóa hoạt động kết nối lao động, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu tiết giảm chi phí nhân sự của doanh nghiệp. Theo ghi nhận, các phiên giao dịch việc làm trong tháng 4 tại Bình Dương thu hút hàng ngàn lượt lao động tham gia, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên và người lao động phổ thông đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại các khu công nghiệp VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước…

Người lao động tham khảo thông tin tuyển dụng
Bên cạnh hoạt động kết nối tuyển dụng, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức 10 buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, giúp người lao động định hướng nghề nghiệp, cập nhật chính sách lao động – bảo hiểm mới. Ngoài ra, một bài phân tích – dự báo thị trường lao động cũng được triển khai, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạch định chính sách vĩ mô và định hướng điều tiết cung – cầu lao động tại tỉnh.
Tuy nhiên trong tháng 4 cũng ghi nhận mặt hạn chế khi số lượng lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp vẫn chưa đủ dù công tác tư vấn được triển khai mạnh mẽ. Thực trạng này phản ánh ba vấn đề: Thiếu hụt kỹ năng chuyên môn của người lao động so với yêu cầu thực tế; chênh lệch kỳ vọng về lương – điều kiện lao động giữa hai bên; diễn biến dịch chuyển lao động sang các địa bàn lân cận như: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt ở nhóm lao động trẻ.
Với mức độ tham gia của hơn 1.400 doanh nghiệp và gần 15.000 lượt lao động trong tháng, có thể thấy Bình Dương đang duy trì được mức độ sôi động của thị trường lao động. Tuy nhiên, sự mất cân bằng giữa lao động phổ thông và lao động có tay nghề, cũng như giữa nhu cầu tuyển dụng và cung ứng thực tế có thể tạo nên “điểm nghẽn” nếu không được điều tiết hợp lý.
Thị trường lao động tỉnh Bình Dương trong tháng 4-2025 cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ và vai trò dẫn dắt trong khu vực. Tuy nhiên, để giữ vững đà tăng trưởng và tạo ra giá trị lao động bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp quản lý, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và chính bản thân người lao động. Chỉ khi “cung” và “cầu” lao động gặp nhau trên nền tảng kỹ năng, chất lượng và sự thích ứng thì thị trường lao động Bình Dương mới thật sự ổn định, bền vững trong dài hạn.
Theo báo cáo tháng 4-2025, tổng nhu cầu tuyển dụng đạt 14.190 chỉ tiêu, trong đó nhóm lao động phổ thông chiếm đến 12.956 vị trí - tương đương 91% tổng số lao động. Số lượng tuyển dụng lao động nữ (9.300 người) cao hơn nam (3.656 người), phản ánh đặc thù ngành nghề tại Bình Dương như: may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm… thường ưu tiên tuyển nữ.