Khuyến khích sinh con: Cần nhiều hơn những chính sách thai sản

Theo thống kê của tổ chức Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), ở cấp độ toàn cầu, tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ liên tục giảm, từ 2,7 con/phụ nữ vào năm 2000 xuống 2,2 con/phụ nữ vào năm 2023. Chính phủ các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng đã thực hiện nhiều chính sách phúc lợi nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, những chính sách này chưa cho thấy hiệu quả mà thậm chí còn gây ra 'phản ứng ngược'.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi sinh con là một "bài toán" khó

Sinh con ở giai đoạn hiện nay là một "bài toán kinh tế" khó khăn khi giá cả leo thang, từ tiền viện phí, ăn uống đến nhà ở và các chi phí phát sinh khi nuôi dạy một đứa trẻ. Đó là chưa tính đến làm sao để đảm bảo trẻ có môi trường giáo dục tốt, được hưởng các tiện nghi khác. Ngoài ra, tại nhiều thành phố lớn, có sự thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở trông trẻ công lập, khiến nhiều bà mẹ buộc phải nghỉ việc hoặc chấp nhận chi tiền cho dịch vụ tư nhân đắt đỏ. Tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành ước tính lên đến hơn 300.000 USD, vượt xa mức thu nhập trung bình ở thành phố này (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD).

Kinh tế không phải là áp lực duy nhất. Cảm giác bất an về tương lai đã trở thành một phần trong tâm lý chung của cả một thế hệ. Những người trẻ trưởng thành giữa đại dịch toàn cầu, ở một thế giới với các "điểm nóng" xung đột vũ trang liên miên, trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên ngày càng khó lường, phải đối mặt với nền kinh tế đầy biến động và khủng hoảng nhà ở… không muốn mang những sinh linh mới vào thế giới để rồi phó mặc chúng cho sự bất ổn của cuộc sống. Bối cảnh thế giới đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách họ nhìn nhận về trách nhiệm sinh sản trong thời đại hiện nay. Phong trào #ChildFree đang lan rộng ở nhiều nước Bắc Âu và Bắc Mỹ là một biểu hiện cho tâm lý đó.

Hình ảnh “một người mẹ hoàn hảo” trong thời đại mạng xã hội “lên ngôi” đang tạo ra nhiều áp lực cho phụ nữ trẻ - Ảnh: ST

Hình ảnh “một người mẹ hoàn hảo” trong thời đại mạng xã hội “lên ngôi” đang tạo ra nhiều áp lực cho phụ nữ trẻ - Ảnh: ST

Chính sách thai sản: "đặc quyền" hơn là quyền lợi cơ bản

Chính phủ ở nhiều quốc gia phát triển đã đưa ra hàng loạt chính sách thai sản để khuyến khích sinh con. Nhật Bản chi hàng tỷ USD mỗi năm để trợ cấp sinh con, còn Trung Quốc nới lỏng chính sách "1 con" thành "3 con". Kết quả cho thấy những chính sách này vẫn chưa hiệu quả, phần lớn do thiếu tính thực tế và không bền vững.

Tại Hàn Quốc, quốc gia đang có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, phụ nữ vẫn phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử khi mang thai và nghỉ thai sản. Dù pháp luật quy định quyền được nghỉ thai sản có lương, nhiều doanh nghiệp vẫn công khai yêu cầu nhân viên nữ thỏa thuận không mang thai trong một vài năm làm việc đầu tiên, hay ngầm tạo áp lực khiến nhân viên nữ ngần ngại sử dụng quyền lợi này. Tại nhiều nước, hệ thống bảo hiểm xã hội chưa bao gồm nhóm lao động phi chính thức và lao động dễ bị tổn thương, vốn là những nhóm mà phụ nữ chiếm phần đông, khiến họ không được tiếp cận các quyền lợi thai sản cơ bản.

Một chính sách khuyến sinh hiệu quả không thể chỉ dừng ở việc tăng thời gian nghỉ thai sản hay tăng trợ cấp tiền mặt, mà phải nhắm đến cải thiện điều kiện làm việc một cách linh hoạt, đảm bảo phụ nữ không bị tụt lại trong sự nghiệp sau khi sinh con. Các dịch vụ hỗ trợ như hệ thống chăm sóc trẻ công lập chất lượng và dễ tiếp cận, hay hệ thống giáo dục cũng cần được đầu tư triệt để. Đồng thời, trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ trong việc nuôi dạy con cái phải có sự phân định rõ ràng.

Quan trọng hơn, chính sách cần được xây dựng trên nền tảng thấu hiểu rằng phụ nữ không là một nhóm đơn nhất: họ có giai tầng, nghề nghiệp, nhu cầu và bối cảnh sống khác nhau. Chính sách không nên giả định rằng, mọi phụ nữ đều sẽ sinh con nếu được hỗ trợ đủ, mà phải chấp nhận rằng quyết định sinh con hay không cũng là một quyền đáng được bảo vệ.

Theo: Caixin Global

Theo: Caixin Global

Phụ nữ hiện đại không còn bị ràng buộc bởi "thiên chức"?

Không thể phủ nhận rằng phụ nữ ngày nay có nhiều lựa chọn hơn: Lựa chọn theo đuổi con đường học vấn, lựa chọn thăng tiến sự nghiệp và lựa chọn kết hôn muộn hơn. Việc sinh con không còn là ưu tiên hàng đầu, thậm chí có thể được trì hoãn vô thời hạn. Phụ nữ hiện đại cũng thường có kỳ vọng về chất lượng sống và sự nghiệp rõ ràng hơn. Theo OECD, độ tuổi trung bình sinh con đầu tiên đã tăng lên 31 tuổi ở nhiều nước phát triển.

Nhiều phụ nữ thẳng thắn nói rằng họ muốn sinh con, nhưng không phải trong một xã hội khiến họ phải làm mẹ trong cô đơn, mệt mỏi và hy sinh thầm lặng. Trên mạng xã hội, hình tượng "người mẹ hoàn hảo" vừa đảm đang, vừa giữ gìn sắc vóc, vừa thành đạt đang khiến nhiều phụ nữ cảm thấy bị đè nặng bởi kỳ vọng phi thực tế. "Tôi không sợ có con, tôi chỉ sợ không thể là người mẹ mà xã hội mong muốn", một phụ nữ 32 tuổi tại Tokyo (Nhật Bản) chia sẻ với tờ The Guardian (Anh). Sự hoàn hảo ấy khiến việc làm mẹ, vốn đã là một hành trình nhiều hy sinh và khó khăn, trở nên nặng nề và cô lập hơn. Nhiều bà mẹ bị đưa vào một "cuộc đua bất đắc dĩ", khiến cho những người chuẩn bị hoặc có ý định làm mẹ thiếu vắng sự cảm thông đến từ những người đi trước.

Tỷ lệ sinh thấp không đơn thuần là bài toán nhân khẩu học mà là tấm gương phản chiếu những bất ổn sâu xa trong xã hội hiện đại. Phụ nữ được kỳ vọng làm tất cả nhưng lại nhận về rất ít sự nâng đỡ thực chất. Khi sinh con đồng nghĩa với việc họ phải đánh đổi tự do, sự nghiệp, an toàn tài chính và sức khỏe thì việc nhiều người lựa chọn không làm mẹ là lời cảnh tỉnh về những rào cản mang tính hệ thống còn tồn tại. Nếu muốn thay đổi điều đó, xã hội cần bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức, bắt đầu từ lắng nghe và thấu hiểu phụ nữ hơn, thay vì thúc ép họ bằng những ràng buộc không còn phù hợp.

Linh Bùi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khuyen-khich-sinh-con-can-nhieu-hon-nhung-chinh-sach-thai-san-20250518170810414.htm
Zalo