Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 10-17/5: Vàng mất hơn 4%, dầu tăng tuần thứ 2, cao su và ca cao cùng bật mạnh

Kết thúc tuần giao dịch từ 10-17/5, trong khi giá vàng giảm mạnh thì dầu cùng ca cao, cao su, đồng, quặng sắt… giữ được đà tăng tốt trong tuần.

Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tục, khí LNG giảm thêm 1%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng từ Iran và OPEC+.

Cụ thể, đóng cửa phiên 16/5, giá dầu Brent tăng 88 cent (+1,4%) lên 65,41 USD/thùng, còn dầu WTI tăng 87 cent (+1,4%) lên 62,49 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 1% và dầu WTI tăng 2,4%.

Phiên trước đó, giá dầu giảm hơn 2% do kỳ vọng về một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể dẫn tới việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và cho phép dầu Iran quay trở lại thị trường. Ngân hàng ING ước tính thỏa thuận này có thể giúp Iran tăng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày.

Tâm lý thị trường được cải thiện nhờ Mỹ và Trung Quốc đình chiến thương mại trong 90 ngày, giúp giảm lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu. Tuy nhiên, theo BMI (thuộc Fitch Solutions), bất ổn về chính sách thương mại dài hạn vẫn hạn chế khả năng giá dầu tăng mạnh.

Về nguồn cung, tại Mỹ, số giàn khoan dầu giảm 1 giàn xuống còn 473 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2025, theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Đồng USD tăng tuần thứ tư liên tiếp sau khi dữ liệu cho thấy giá nhập khẩu tăng và niềm tin tiêu dùng vẫn yếu.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất 2 tuần do sản lượng giảm ít hơn dự kiến trước đó. Dòng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG thấp hơn và dự báo nhu cầu sẽ giảm trong 2 tuần tới.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 6/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 1,9 cent (-0,6%) về 3,343 USD/mmBTU - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/4/2025 trong ngày thứ hai liên tiếp.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 103,7 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 5, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 105,8 bcfd vào tháng 4.

LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giữ ở mức khoảng 96,3 bcfd trong tuần này và tuần tới trước khi giảm xuống 94,0 bcfd trong 2 tuần kế tiếp.

Kim loại: Vàng giảm hơn 4%, đồng và quặng sắt giữ đà tăng

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm hơn 2% và đã mất 4,1% trong tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2024. Cụ thể, vàng giao ngay ở mức 3.188,25 USD/ounce, giảm từ mức kỷ lục 3.500,05 USD/ounce hồi tháng trước. Hợp đồng vàng tương lai Mỹ giảm 1,2% xuống 3.187,2 USD/ounce.

Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến 90 ngày đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro, khiến nhà đầu tư chốt lời vàng. Trong khi đó, các chỉ số chính trên Phố Wall ghi nhận tuần tăng nhờ tâm lý thị trường cải thiện.

Giới phân tích nhận định, vàng vẫn được hỗ trợ dài hạn nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, bắt đầu từ tháng 9.

Về các kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,4% về 32,22 USD/ounce và giảm hơn 1% trong tuần. Bạch kim giảm 0,6% về 984,10 USD/ounce, palladium giảm 1,2% về 956,72 USD/ounce và đều giảm trong tuần.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tăng nhẹ trong phiên cuối tuần và kết thúc tuần với mức tăng tích cực, được hỗ trợ bởi thỏa thuận “đình chiến thuế quan” giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu dài hạn đối với kim loại cơ bản này đã kìm hãm đà tăng mạnh hơn.

Cụ thể, giá đồng chuẩn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,1% lên 9.585 USD/tấn. Hợp đồng đồng giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 0,1% lên 78.430 CNY (10.889,43 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá đồng LME đã tăng khoảng 1,5% và đồng SHFE tăng khoảng 1%.

“Mặc dù các nhà giao dịch Trung Quốc hài lòng với thỏa thuận tạm hoãn trong 90 ngày, nhưng thị trường vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau thời gian này,” một thương nhân kim loại tại Thượng Hải chia sẻ. “Việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang gấp rút giao hàng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ vẫn lo ngại”, vị này nói thêm.

Tuy nhiên, sự lạc quan ban đầu về thỏa thuận đình chiến 90 ngày giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến hầu hết các mức thuế trả đũa đã bắt đầu mờ nhạt. Thị trường hiện đang chú ý đến khả năng Mỹ có thể áp thuế mới đối với các sản phẩm đồng nhập khẩu - một cuộc rà soát đã được bắt đầu từ tháng 2.

Về các kim loại khác trên sàn LME, giá nhôm tăng nhẹ 0,1% lên 2.492 USD/tấn; kẽm giảm 0,1% về 2.723 USD/tấn; chì giảm 0,4% về 1.996,5 USD/tấn; thiếc tăng 0,1% lên 33.000 USD/tấn.

Trên sàn SHFE, giá nhôm giảm 0,3% xuống 20.185 CNY/tấn; kẽm giảm 0,6% xuống 22.595 CNY/tấn và chì giảm 0,5% xuống 16.920 CNY/tấn. Các nhà phân tích dự đoán giá đồng SHFE sẽ dao động quanh mức 78.000-79.000 CNY/tấn trong ngắn hạn, phản ánh tâm lý thị trường vẫn còn phân hóa.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giảm do nhu cầu ngắn hạn suy yếu và lo ngại về tiến triển của cuộc chiến thuế Mỹ - Trung, dù thỏa thuận đình chiến giúp giá vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên giảm 0,95% xuống 728 CNY (101,11 USD)/tấn, nhưng tăng 4,5% trong tuần. Trên sàn Singapore, hợp đồng quặng sắt tháng 6/2025 giảm 0,83% về 100,35 USD/tấn và tăng 3,5% trong tuần. Tính từ đầu tháng 5, cả 2 hợp đồng tăng khoảng 3%.

Sản lượng gang trung bình hàng ngày trong tuần qua - chỉ báo nhu cầu quặng, giảm 0,4% so với tuần trước nữa, xuống khoảng 2,45 triệu tấn tính đến ngày 15/5, theo khảo sát của Mysteel.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận vẫn khá, các nhà máy có thể duy trì công suất cao ít nhất trong tháng 5 và 6. Ngoài ra, căng thẳng thương mại hạ nhiệt có thể thúc đẩy xuất khẩu thép tăng mạnh trở lại.

Benchmark Mineral Intelligence dự báo giá quặng trung bình năm 2025 ở mức 100 USD/tấn do nhu cầu yếu, khả năng Trung Quốc hạn chế sản lượng thép và triển vọng thương mại tích cực.

Các nguyên liệu luyện thép khác trên sàn Đại Liên cũng giảm mạnh: Than luyện cốc giảm 3,84% xuống mức thấp nhất hơn 8 năm, than cốc giảm 1,93%. Trên sàn SHFE, các sản phẩm thép như thép cây, thép cuộn cán nóng, thép dây và thép không gỉ đều giảm từ 0,65% đến 1,25%.

Nông sản: Giá lúa mì hồi phục, đậu tương giảm mạnh, ngô diễn biến trái chiều

Phiên giao dịch cuối tuần qua ghi nhận đà tăng của giá lúa mì trên sàn CBOT khi mức giá thấp đã kích thích lực mua đối với lúa mì Mỹ. Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông tháng 7 (WN25) tăng 8 cent lên 5,32-3/4 USD/giạ; lúa mì đỏ cứng mùa Đông cùng kỳ hạn (KWN25) tăng 5,25 cent lên 5,2825 USD/giạ; lúa mì Xuân tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) tăng 3 cent lên 5,8 USD/giạ.

Nhu cầu nhập khẩu tăng cao đến từ việc Ả Rập Xê-út thông báo mở thầu mua 655.000 tấn lúa mì cho kỳ giao hàng từ tháng 8 đến tháng 10/2025. Cùng lúc đó, theo số liệu từ USDA, xuất khẩu lúa mì trong tuần kết thúc ngày 8/5/2025 đạt 804.800 tấn - vượt kỳ vọng giới phân tích.

Tại Mỹ, chuyến khảo sát đồng ruộng thường niên của Hội đồng Chất lượng lúa mì ước tính năng suất lúa mì tại Kansas đạt 53 giạ/mẫu - cao nhất kể từ năm 2021 và vượt xa mức trung bình 5 năm là 44,3 bpa. Kết quả khả quan này nhờ lượng mưa tốt trong tháng 4, phần nào giảm thiểu tác động của hạn hán kéo dài.

Thị trường ngô Mỹ ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên. Hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 3 cent lên 4,4805 USD/giạ, trong khi hợp đồng ngô tháng 12 (CZ25) - đại diện cho vụ thu hoạch chính, giảm 1,75 cent về 4,3875 USD/giạ.

Sản lượng ngô toàn cầu được kỳ vọng tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Cơ quan Conab của Brazil dự báo sản lượng ngô vụ 2 năm nay sẽ tăng 11% lên 99,8 triệu tấn với lý do thời tiết tốt tại các vùng trồng trọng điểm.

Chủ tịch Hiệp hội Ngô Abramilho - ông Paulo Bertolini nhận định, tổng sản lượng ngô Brazil niên vụ 2024-2025 có thể đạt 125 triệu tấn. Ngoài ra, ông cũng lưu ý lượng tiêu thụ ngô để sản xuất ethanol có thể sớm tăng gấp đôi thời gian tới.

Ở chiều xuất khẩu, USDA báo cáo khối lượng xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/5/2025 đạt hơn 2,18 triệu tấn - cao hơn nhiều so với dự đoán.

Sau khi chạm đỉnh 10 tháng trong phiên trước, giá đậu tương kỳ hạn đã giảm sâu trong phiên cuối tuần, chịu tác động tiêu cực từ đà lao dốc của giá dầu đậu nành. Hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) giảm 26,05 cent về 10,5125 USD/giạ.

Áp lực chủ yếu đến từ hợp đồng dầu đậu nành hoạt động mạnh nhất (ZL1!), khi giá giảm kịch sàn về mức 49,32 cent/pound - mức giới hạn hàng ngày. Hợp đồng dầu đậu tháng 7 (BON25) cũng giảm 3 cent về 49,32 cent/pound.

Đà giảm của dầu đậu nành bắt nguồn từ những lo ngại mới liên quan đến chính sách nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Có tin đồn rằng, mục tiêu sản lượng diesel tái tạo cho năm tới đang được điều chỉnh giảm mạnh, thấp hơn mức 5,25 tỷ gallon do các hiệp hội năng lượng đề xuất.

Sự lạc quan gần đây về khả năng nối lại tín dụng thuế nhiên liệu sinh học và tạm ngừng xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đã dịu bớt khi chưa có thêm thông tin rõ ràng về kết quả đàm phán. Công ty AgResource cảnh báo nếu xung đột thương mại không được giải quyết, xuất khẩu đậu tương Mỹ có thể giảm tới 20%, kéo giá xuống sâu hơn.

Ở chiều ngược lại, hợp đồng bột đậu tương tháng 7 (SMN25) tăng 4,5 USD lên mức 296,40 USD/tấn ngắn, phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa ổn định hơn so với dầu đậu nành.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cao su lên cao nhất 8 tháng, ca cao cũng bật tăng, đường giảm, cà phê diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (16/5), đường thô kỳ hạn (SB1!) giảm 0,39 cent (-2,2%) xuống 17,67 cent/pound. Đường trắng kỳ hạn (SF1!) cũng giảm 2,2% xuống 493 USD/tấn.

Mặc dù tiến độ thu hoạch mía tại khu vực Trung Nam Brazil gần đây khá chậm, góp phần hỗ trợ giá, song các đại lý nhận định, hoạt động thu hoạch sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Theo công ty tư vấn Datagro, điều kiện canh tác mía cho niên vụ 2025-2026 hiện khá thuận lợi, dù thời điểm thu hoạch bắt đầu muộn. Dự báo sản lượng dồi dào sẽ dẫn tới thặng dư toàn cầu khoảng 1,53 triệu tấn trong vụ tới.

Một số chuyên gia lưu ý, các nhà máy tại Brazil đang cân nhắc chuyển một phần nguyên liệu từ sản xuất đường sang etanol nếu giá đường tiếp tục duy trì xu hướng giảm.

Giá ca cao New York kỳ hạn (CC1!) bật tăng 338 USD (+3,4%) lên 10.257 USD/tấn, trong khi ca cao London mã C1! tăng 3,7% lên 7.341 bảng Anh/tấn.

Các nhà phân tích cho biết, lo ngại về vụ giữa vụ suy yếu tại Bờ Biển Ngà - quốc gia trồng ca cao lớn nhất thế giới, tiếp tục là động lực chính hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, dữ liệu ban đầu cho vụ chính năm 2025-2026 cho thấy sản lượng nhiều khả năng chưa thể phục hồi mạnh trong mùa tới.

Trong phiên giao dịch thứ Năm (15/5), tổng cộng 24.680 tấn ca cao đã được đưa ra đấu thầu cho hợp đồng tháng 5 trên sàn ICE London (LCCK5), cho thấy nhu cầu giao dịch vẫn khá lớn.

Giá cà phê robusta kỳ hạn (RC2!) trượt về mức thấp nhất 1 tháng khi thị trường chịu sức ép từ nguồn cung mới đến từ Indonesia và Brazil, giảm 39 USD (-0,8%) về 4.971 USD/tấn, có thời điểm chạm mức 4.886 USD/tấn. Ngược lại, cà phê Arabica kỳ hạn (KC2!) tăng 10,2 cent (+2,8%) lên 3,75 USD/pound.

Các đại lý cho biết, sản lượng cà phê đang được thu hoạch ở Indonesia và Brazil đã tạo nên nguồn cung dồi dào, kéo giá giảm. Tại Việt Nam - quốc gia xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới, một thương nhân cho biết, lượng dự trữ robusta do sàn ICE theo dõi đã phục hồi đáng kể, lên tới 47.550 tấn tính đến ngày 14/5, so với mức 42.250 tấn cuối tháng 4 và 41.130 tấn cùng kỳ năm ngoái, gây thêm áp lực lên giá.

Tại Brazil, các nhà sản xuất robusta cũng bắt đầu bán ra mạnh từ đầu tháng 4 với mức giá chiết khấu sâu hơn so với cà phê Việt Nam, theo tiết lộ từ một nhà môi giới tại nước này.

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm nhẹ 0,44% về 315,3 JPY/kg trong phiên cuối tuần qua, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng mạnh nhất gần 8 tháng với mức tăng 4,68% sau thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc - hai thị trường tiêu thụ cao su lớn. Giá cao su tại Thượng Hải giảm 0,66% xuống 15.040 CNY/tấn. Giá cao su tổng hợp butadiene cũng giảm nhẹ 0,24%.

Giá cao su thiên nhiên thường biến động theo giá dầu vì cạnh tranh với cao su tổng hợp từ dầu thô. Giá dầu tăng khoảng 1% trong tuần qua nhờ kỳ vọng từ thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, thị trường còn nhiều lo ngại về tương lai sau thời gian đình chiến 90 ngày, khiến giá cao su điều chỉnh nhẹ. Đồng JPY mạnh lên cũng làm tài sản niêm yết bằng yên kém hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Thái Lan - nhà sản xuất cao su hàng đầu, cảnh báo mưa lớn và nguy cơ lũ quét từ ngày 15-17/5, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-10-175-vang-mat-hon-4-dau-tang-tuan-thu-2-cao-su-va-ca-cao-cung-bat-manh-post369596.html
Zalo